28/12/2024

Nông sản ĐBSCL sẽ hết cảnh được mùa mất giá?

Nông sản ĐBSCL sẽ hết cảnh được mùa mất giá?

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ mang lại điều gì cho nông dân “vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây” miền Tây?

 

 

Đây là câu hỏi mà người dân ĐBSCL đều quan tâm khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Cần Thơ, trong đó có nội dung xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại TP này.

Điều đáng mong chờ là cần nguyên liệu có thể qua trung tâm, không phải đi từng địa phương để tìm. Nông dân sẽ không sản xuất tự phát nữa mà sẽ sản xuất có địa chỉ, với đầu ra rõ ràng, không phải phụ thuộc chia sẻ lợi ích cho quá nhiều trung gian như cò, thương lái.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ

Với mục tiêu “Một điểm đến, đa dịch vụ”, trung tâm này được kỳ vọng góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp (DN) nông sản) và DN xuất, nhập khẩu. Trung tâm là nơi các DN, người dân tiến hành sản xuất, chế biến, giao dịch, chào bán nông sản. Đặc biệt, việc hình thành các kho lạnh cấp vùng có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì 7 ngày như hiện nay sẽ giúp nông dân cởi bỏ áp lực mùa vụ, lựa chọn thời điểm, giá bán có lợi nhất cho mình.

Nông dân phấn khởi

Ông Lý Văn Bon, 59 tuổi, nông dân nuôi cá bè trên sông Hậu thuộc P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, phấn khởi cho biết: “Hay tin Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ với việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tôi mừng không ngủ được”. Hơn 20 năm nuôi cá bè, ông Bon quá hiểu những khó khăn, thăng trầm của người nông dân ở nơi được xem là vựa cá, vựa lúa, vựa trái cây của cả nước. Như ông, có lúc phất lên nhanh chóng nhưng cũng có năm thất bại nặng nề, tưởng không gượng dậy được nếu không có sự kiên trì đeo bám đến bây giờ.

“Đó là vì bấp bênh đầu ra. Nông dân miền Tây mình khổ nhất vì làm ra không bán được, làm ra rồi bị ép giá, thua lỗ. Chừng nào chưa ổn định được đầu ra thì nông dân kể cả nuôi cá, trồng lúa, trái cây vẫn rất khó làm giàu”, ông Bon nói.

Nông sản ĐBSCL sẽ hết cảnh được mùa mất giá? - ảnh 1
Bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long là một trong những đặc sản nổi tiếng của ĐBSCL  ĐÌNH TUYỂN

Chẳng nói đâu xa, ngay đợt dịch Covid-19 năm 2021, ông Bon đã phải bán tháo khoảng 200 tấn cá thác lác, lỗ hơn 2 tỉ đồng. Lý do là dịch bệnh khiến đầu ra không có, giá bán chỉ 40.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi lên tới 50.000 đồng/kg cá. “Nếu mình không bán thì 200 tấn cá quá lứa đó mỗi ngày tốn khoảng 4 tấn thức ăn, mất hơn 80 triệu đồng mỗi ngày, trong khi cá không lớn thêm được nữa. Lúc đó tôi chỉ ước có một nơi trữ lạnh đủ lớn, mình có thể tự sản xuất chả cá rồi thuê để đó chờ thị trường phục hồi kiếm mối bán”, ông Bon nói.

Nông sản ĐBSCL sẽ hết cảnh được mùa mất giá? - ảnh 2
Việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL sẽ hỗ trợ nông dân từ sản xuất tới khi thu hoạch bao tiêu, giá cả ổn định  ĐÌNH TUYỂN

Ông Võ Lê Trung, HTX Nông nghiệp Trung Xuyên (H.Cờ Đỏ, Cần Thơ), cho biết dịch bệnh năm 2020 đến nay đã phơi bày thêm nỗi khổ của nông dân miền Tây khi giá lúa bán thấp, trong khi giá phân, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng phi mã. Nông dân phải chấp nhận bán lúa chỉ từ hòa vốn đến lỗ. “Thế nên tôi mong rằng với những cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là thành lập trung tâm nông sản vùng sẽ có những DN lớn vào đồng hành với nông dân, hỗ trợ nông dân từ sản xuất tới khi thu hoạch bao tiêu, giá cả ổn định. Nông dân an tâm sản xuất theo đặt hàng của công ty với những sản phẩm có giá trị cao hơn”, ông Trung nói.

Giải bài toán mùa vụ

Trong bản đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Cần Thơ nêu rõ, sản xuất nông sản ở ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước Thái Lan, Myanmar, Campuchia… Có nhiều nguyên nhân như nông nghiệp ĐBSCL sản xuất nhỏ lẻ; nông sản chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp… Đặc biệt, ĐBSCL rất thiếu các trung tâm liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chưa hình thành được trung tâm logistics hạng 2 theo quy hoạch đã đề ra; giao thông kết nối yếu nên 70% nông sản phải vận chuyển đường bộ lên TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu để tiêu thụ và xuất khẩu.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng trong bối cảnh nông nghiệp ĐBSCL đang buộc phải chuyển đổi như hiện nay, việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại Cần Thơ là rất cần thiết.

“Điều đáng mong chờ là cần nguyên liệu có thể qua trung tâm, không phải đi từng địa phương để tìm. Nông dân sẽ không sản xuất tự phát nữa mà sẽ sản xuất có địa chỉ, với đầu ra rõ ràng, không phải phụ thuộc chia sẻ lợi ích cho quá nhiều trung gian như cò, thương lái”, GS Xuân nói.

Cũng chia sẻ về việc hình thành trung tâm nói trên, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế tại ĐBSCL, nhận định đây là tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. “Chẳng hạn như thanh long, mấy năm nay mỗi khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, nông dân lại lao đao, hàng hóa chở ra tới biên giới phía Bắc kẹt lại, thậm chí đổ bỏ. Nếu trung tâm này vận hành như kỳ vọng, thanh long bán không được vẫn có thể mua cho nông dân trữ lạnh 8 tháng rồi tiêu thụ khi có thị trường. Như vậy, không chỉ thúc đẩy chế biến mà còn giải quyết được bài toán mùa vụ cho nông dân”, ông Hiệp nói.

Chính sách không phải “phép màu”

Theo TS Trần Hữu Hiệp, điều quan trọng là trung tâm cần thu hút đầu tư được một hệ thống logistics tích hợp đa chức năng gắn với chuyển đổi số để chủ động hơn trong tất cả các khâu, chế biến, bảo quản, thương mại, dịch vụ. Từ đó mới giúp nông sản ổn định giá cả, nông dân bớt bấp bênh và nông nghiệp dần chuyển đổi. Đáng mừng là hiện nay, mạng lưới đường cao tốc về ĐBSCL đang được Chính phủ dành nhiều ưu tiên. Ngoài ra, chính sách ưu đãi đối với các dự án nạo vét luồng Định An để tàu trọng tải trên 10.000 tấn vào sông Hậu cũng sẽ mở ra những cơ hội để phát triển hệ thống cảng, kết nối giao thông vận tải thủy ở khu vực này.

Nông sản ĐBSCL sẽ hết cảnh được mùa mất giá? - ảnh 3

Tuy nhiên, TS Hiệp cảnh báo, chủ trương cho đầu tư trung tâm trên không phải phép màu giải quyết tất cả các vấn đề, nó chỉ tập trung giải quyết những khâu quan trọng về cơ chế, chính sách. Trung tâm này đặt tại Cần Thơ nhưng có vai trò của cả ĐBSCL nên cần được phát huy không gian kinh tế, kết nối nội vùng ĐBSCL và liên vùng với các khu vực khác, giải bài toán thị trường, rà soát quy hoạch phù hợp với những cơ chế mới.

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, các dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như: Áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư; Miễn thuế thu nhập DN 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư; Miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.

 

ĐÌNH TUYỂN

TNO