Cẩn thận chiêu lừa đăng ký tham gia các kỳ thi tuyển sinh

Cẩn thận chiêu lừa đăng ký tham gia các kỳ thi tuyển sinh

Nhiều thí sinh suýt bị mất oan 200.000 đồng khi muốn sửa thông tin tài khoản đăng ký thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng liên tục cảnh báo thí sinh cẩn thận kẻo bị lừa.

 

 

Môi giới sửa thông tin sai với phí 200.000 đồng/thí sinh

Cách đây vài ngày, Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CET) bắt đầu mở cổng thông tin cho phép thí sinh (TS) có nhu cầu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) 2022 vào đăng ký tài khoản. Do hệ thống mới được vận hành nên nhiều TS khi điền sai thông tin đã gặp khó khăn trong việc sửa lại. Lợi dụng tình hình đó, có cá nhân đứng ra làm môi giới giúp TS sửa thông tin, với mức “phí hỗ trợ” 200.000 đồng/TS.

Cẩn thận chiêu lừa đăng ký tham gia các kỳ thi tuyển sinh - ảnh 1
Hình ảnh có ý định lừa đảo thí sinh mà VNU-CET đã lưu lại được  NGỌC DIỆP

Thông tin này được rao trong nhóm Zalo có tên “Ôn luyện đánh giá năng lực ĐH QGHN-HCM”, kèm theo số tài khoản nhận tiền và hướng dẫn cú pháp tin nhắn trong lệnh chuyển tiền. Nhận được phản ánh của TS về việc này, ngay lập tức VNU-CET phát thông báo khẩn, khuyến cáo TS không để bị kẻ xấu lừa giúp sửa thông tin khai sai khi đăng ký thi HSA.

Điều đáng ngạc nhiên là ngay sau đó người quản trị của fanpage ĐH Quốc gia Hà Nội (trên nền tảng Facebook) đã nhận được tin nhắn của một tài khoản có nick là Đ.T.P.N khẩn khoản “được sửa sai” và nhờ admin xóa hộ thông báo khẩn trên trang. Tài khoản Đ.T.P.N cam đoan là mình chưa nhận tiền của TS nào, đồng thời cho biết đã xóa nhóm Zalo nói trên. Khi được admin trả lời không có thẩm quyền giải quyết mà phải nhờ công an, tài khoản này trả lời “ad báo công an cũng được” và vẫn bày tỏ mong muốn xóa thông báo khẩn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc VNU-CET, thông báo khẩn mà trung tâm gửi đến TS không phải chỉ để cảnh báo một vụ việc cụ thể vừa xảy ra mà còn để các em cảnh giác với các chiêu lừa đảo khác nếu có trong tương lai.

Vì vậy, dù tài khoản Đ.T.P.N đã “sửa sai” nhưng trung tâm vẫn đề nghị quản trị của fanpage ĐH Quốc gia Hà Nội giữ lại hình ảnh và nội dung thông báo khẩn. “Vì chưa TS nào bị mất tiền nên chúng tôi tạm thời chưa báo sự việc với cơ quan công an. Chỉ mong các TS tỉnh táo, tin tưởng vào các khuyến cáo mà ĐH Quốc gia Hà Nội đã liên tục đưa ra liên quan tới kỳ thi HSA, không để kẻ xấu lợi dụng”, GS Thảo chia sẻ.

Thí sinh chỉ đóng duy nhất khoản lệ phí thi 300.000 đồng

Cũng theo GS Thảo, hiện tại VNU-CET mới chỉ mở cổng để TS đăng ký tài khoản chứ chưa mở cổng đăng ký dự thi HSA. Sắp tới, khi VNU-CET chốt được lịch thi đợt đầu tiên thì trung tâm sẽ mở cổng để TS đăng ký dự thi (tối thiểu trước 15 ngày trước thời điểm tổ chức thi đợt đầu tiên).

Cẩn thận chiêu lừa đăng ký tham gia các kỳ thi tuyển sinh - ảnh 2
Cẩn thận chiêu lừa đăng ký tham gia các kỳ thi tuyển sinh - ảnh 3
Các hình ảnh có ý định lừa đảo thí sinh mà VNU-CET đã lưu lại được  NGỌC DIỆP

Khi đăng ký, TS lưu ý 2 thông tin quan trọng nhất cần khai chính xác là họ tên và số căn cước công dân. Sau khi TS nộp lệ phí thì không thể sửa thông tin trên hệ thống được nữa. Tuy nhiên, nếu lỡ khai sai, các em cũng không cần quá lo lắng, vì sẽ có cơ hội sửa khi đến dự thi trực tiếp.

“Các em đừng bao giờ phải phí tiền vô ích nhờ ai đó sửa giúp”, GS Thảo khuyến cáo và cho biết thêm: “TS dự thi HSA chỉ phải đóng khoản duy nhất là lệ phí thi với 300.000 đồng/lượt TS. TS hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn lệ phí thi”.

Web nhân danh các trường để luyện thi đều là giả mạo

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy dùng để tuyển sinh ĐH vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường ĐH khác, có nhiều nhóm/cá nhân nhân danh trường để bán sách luyện thi hoặc mở lớp ôn thi. Những trang web nhân danh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo công bố đề thi mẫu của kỳ thi tư duy, ôn tập, ôn luyện, mẹo làm bài… đều giả mạo. Một số nơi còn bán sách ôn thi đặt những tên rất kêu kiểu như “tốc chiến luyện đề đánh giá tư duy”, trong đó đưa ra các mẫu đề đều của những người soạn sách tự soạn (hoặc sưu tầm), hoàn toàn không phải mẫu đề của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS Điền nhấn mạnh: “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thông báo rõ mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn TS có năng lực tư duy tốt, phù hợp với các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ. Phần đọc hiểu không thể luyện theo lối học văn mẫu mà phải dựa vào nền tảng hiểu biết – năng lực về đọc hiểu tiếng Việt các em được dạy trong nhà trường, được tiếp thu qua sách vở hoặc giao tiếp xã hội suốt thời gian học phổ thông của chính mình để làm bài. Trong phần thi môn toán có một phần tự luận để kiểm tra năng lực trình bày một bài toán. Vì thế, các em cứ học và ôn tập bình thường theo chương trình phổ thông đang học, đừng kỳ vọng vào chuyện “giải mã” các loại mẹo mực mà các cá nhân hoặc các nhóm/trung tâm luyện thi quảng cáo”.

PGS Điền cũng chia sẻ, để giúp TS không bỡ ngỡ với kỳ thi đánh giá tư duy, ngày 23.1, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức cho TS thi thử bằng hình thức trực tuyến. Buổi sáng, TS sẽ làm bài thi phần bắt buộc toán + đọc hiểu và tự chọn 2 (tiếng Anh), buổi chiều làm bài thi cho phần tự chọn 1 (khoa học tự nhiên). Từ ngày 1 – 15.1, hệ thống đăng ký và thi thử bài đánh giá tư duy của nhà trường mở cho các TS vào đăng ký dự thi thử trực tuyến đợt đầu tiên. Hiện tại, hệ thống đã tiếp nhận khoảng hơn 10.000 TS đăng ký thi thử.

ĐH Quốc gia TP.HCM cho phép thí sinh điều chỉnh gì sau đăng ký thi?

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cho phép TS được chỉnh sửa trong quá trình đăng ký xét tuyển và dự thi. Sau khi đăng ký, TS có thể điều chỉnh thông tin cá nhân, địa điểm thi, thêm bớt nguyện vọng và thay đổi thứ tự ưu tiên các nguyện vọng khi chưa hoàn thành việc đóng phí. Trong trường hợp đã hoàn tất đóng lệ phí, TS không thể đăng ký thêm, hủy, thay đổi hoặc sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng. Thời điểm này, TS chỉ có thể thay đổi địa điểm dự thi.

H.Ánh

Ôn luyện ở các trung tâm không mang lại hiệu quả

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, VNU-CET chỉ cung cấp đề thi tham khảo và khuyến khích TS nên làm bài tham khảo 1 – 2 lần trước khi đăng ký và trước ngày đi thi. Ngân hàng câu hỏi HSA của CET rất lớn nên việc ôn luyện tại các trung tâm luyện thi không mang lại hiệu quả cho TS.

Học sinh nắm vững kiến thức chương trình THPT đã có thể đạt điểm cao của kỳ thi HSA. Các em cũng không cần quá lo lắng. “Các bạn có thể khắc phục bằng cách làm đề thi tham khảo mà VNU-CET đã công bố, sẽ thấy được mình cần tự luyện tập bổ sung như thế nào. Câu hỏi thi HSA hướng tới đánh giá năng lực của học sinh khi tốt nghiệp chương trình THPT và khả năng vận dụng kiến thức của TS chứ không đơn thuần là câu hỏi kiểm tra kiến thức thuần túy như các bài thi khác. Do đó, các TS sẽ khởi điểm giống nhau và năng lực, khả năng tư duy của TS sẽ quyết định điểm bài thi”, GS Thảo nói.

 

QUÝ HIÊN

TNO