Mỗi người dân ăn 10 kg rau/tháng, quý 1 vẫn dư thừa 2,5 triệu tấn
Mỗi người dân ăn 10 kg rau/tháng, quý 1 vẫn dư thừa 2,5 triệu tấn
Ngoài trái cây, rau cũng là nông sản cần đẩy mạnh tiêu thụ và chế biến. Theo tính toán, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng thì trong quý 1 còn thừa khoảng 2,5 triệu tấn.
Đó là thông tin ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), chia sẻ tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ và chế biến rau quả, do Diễn đàn kết nối nông sản 970 Bộ NN-PTNT tổ chức sáng nay 13.1.
Sau thanh long, mít cần được hỗ trợ tiêu thụ và chế biến khi Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 làm chậm tiến độ xuất khẩu DƯƠNG LAN |
Ông Tùng cho biết, thống kê tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý 1 nhiều nhất và hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% để phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp tết Nguyên đán hàng năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm dịch Covid-19, tốc độ xuất khẩu rau quả vào thị trường bị chậm lại đang tạo ra áp lực lớn trong vấn đề tiêu thụ.
Cũng theo ông Tùng, ước tính trong quý 1, nếu mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng thì sản lượng rau dư thừa vào khoảng 2,5 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh khu vực Tây Nguyên dư thừa nhiều nhất với khoảng 900.000 tấn. Sản lượng rau dư thừa này rất cần các doanh nghiệp đưa vào chế biến.
“Suốt một tuần qua, chúng tôi liên tục cập nhật, theo dõi sản lượng các loại cây ăn quả và đề nghị các tỉnh phía nam chủ động liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho các loại nông sản, trái cây của địa phương”, ông Tùng nói.
Phải lên kế hoạch tiêu thụ trước 3 tháng
Thông tin về trái cây, ông Lê Thanh Tùng cho biết, thanh long có sản lượng cao nhất ước tính gần 1,4 triệu tấn/năm; chuối hơn 1 triệu tấn/năm, xoài hơn 800.000 tấn/năm; sầu riêng hơn 600.000 tấn/năm. Sản lượng trái cây tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía nam với lợi thế về khí hậu, thời tiết có trồng, thu hoạch quanh năm.
Trong đó, sản lượng trái cây ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 50% tổng sản lượng của khu vực phía nam. Tuy nhiên, khu vực này còn ít cơ sở chế biến và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có cơ sở để sơ chế cơ bản. Trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất.
Ông Tùng nhận định sau thanh long, mít có thể sẽ cần đến các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ và cho rằng, rất khó ước tính nhu cầu tiêu dùng trong nước, bởi sở thích, tập quán, và thói quen tiêu dùng của người dân các vùng miền là khác nhau. Trong khi, sản lượng cây ăn quả các tỉnh phía nam rất lớn và thời gian bảo quản ngắn.
Đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, để giải quyết vấn đề tiêu thụ một cách căn cơ, các địa phương nên có phương án quy hoạch theo tiểu vùng. “Ngay như cây mít, Đồng bằng sông Cửa Long có sản lượng chiếm khoảng 80% rồi thì những tiểu vùng khác chuyển cây trồng khác, thay vì cứ tập trung trồng mít”, ông Tùng dẫn chứng.
Cũng theo ông Tùng, để tránh rơi vào tình trạng “chữa cháy”, bị động trong khâu tiêu thụ như thời gian vừa qua, trước các mùa vụ, các cơ quan quản lý địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng để chủ động về thị trường.
PHAN HẬU
TNO