09/01/2025

TP.HCM đề xuất phát hành trái phiếu để có vốn cho giao thông

TP.HCM đề xuất phát hành trái phiếu để có vốn cho giao thông

Thông tin được nêu tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch công tác năm 2022 do Sở GTVT TP.HCM tổ chức chiều nay (11.1).

 

 

Những điểm sáng trong 1 năm “đen tối”

Tổng kết lại 1 năm vô tiền khoáng hậu, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM vui mừng thông tin mặc dù trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn vì dịch bệnh, ngành giao thông thành phố vẫn ghi nhận các tín hiệu vui.

TP.HCM đề xuất phát hành trái phiếu để có vốn cho giao thông - ảnh 1
TP.HCM đề xuất được phát hành trái phiếu để phát triển hạ tầng giao thông  NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm rất sâu ở cả 3 mặt. Trên địa bàn thành phố trong năm qua đã xảy ra 1.784 vụ tai nạn giao thông, làm chết 477 người, bị thương 1.042 người; so với cùng kỳ năm 2020 giảm 1.146 vụ, 70 người chết và giảm 993 người bị thương. Đây là một trong số những chỉ tiêu quan trọng nhất mà ngành giao thông TP.HCM đã đạt được trong năm qua.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch, là đầu mối giao thông, đầu mối kinh tế của cả nước nhưng thành phố vẫn giữ được hoạt động lưu thông hàng hóa xuyên suốt trong giai đoạn chống dịch. Chưa bao giờ những giải pháp công nghệ thông tin được ứng dụng nhanh và mạnh đến như vậy.

Trước áp lực vô cùng lớn về thời gian và số lượng hồ sơ, Sở GTVT đã triển khai phương án cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR đối với phương tiện và cấp giấy di chuyển trong trường hợp cấp thiết cho người dân, hoàn toàn qua hình thức trực tuyến. Việc nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu trong vùng được lưu thông nhanh chóng, người dân đi lại thuận tiện và hỗ trợ công tác phòng chống dịch của thành phố.

“Những giải pháp của TP.HCM sau đó đã trở thành chủ trương, giải pháp chung cho các địa phương trên cả nước” – ông Lâm nói và dành lời tri ân tới những doanh nghiệp đã không ngại “xả thân”, đồng hành cùng ngành giao thông thành phố trải qua những thời khắc khó khăn nhất trong đại dịch.

Dồn lực cho loạt công trình trọng điểm

Ghi nhận nhiều điểm sáng, song, người đứng đầu ngành giao thông thành phố thừa nhận những chỉ tiêu về vận tải hành khách, giao thông công cộng và hạ tầng cho giao thông vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong năm 2022, Sở GTVT TP.HCM đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 và khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2. Đồng thời, phấn đấu khởi công một số công trình trọng điểm như đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, quốc lộ 50, nút giao thông An Phú… Ngành giao thông thành phố dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác 20 công trình trọng điểm trong năm 2022 bên cạnh việc hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm như Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, vành đai 2, vành đai 3.

TP.HCM đề xuất phát hành trái phiếu để có vốn cho giao thông - ảnh 2
Sở GTVT TP.HCM đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 ĐỘC LẬP

Về giao thông công cộng, thành phố sẽ tập trung mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt. Bên cạnh nâng cao chất lượng phương tiện, thành phố sẽ khẩn trương đưa hệ thống soát vé thông minh cùng những điều chỉnh về giá vé để tạo đột phá cho hệ thống xe buýt hiện nay.

Đặc biệt, ngay trong quý 1/2022, Sở GTVT dự kiến sẽ tổ chức thí điểm loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện; Phối hợp cùng các tỉnh tổ chức khai thác các tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối giao thông trong vùng (tuyến TP.HCM – Long An – Tiền Giang…) và mở rộng mạng lưới xe đạp công cộng.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở GTVT nhận định yếu tố tiên quyết là nguồn vốn. Lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM kiến nghị cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2021 – 2025 (đối với các dự án vành đai, cao tốc, ước khoảng 75.000 tỉ đồng) để đảm bảo khả năng cân đối vốn theo quy định hoặc không tính vốn đầu tư các dự án này vào trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của thành phố.

Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương chấp thuận cho thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án hoặc Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho thành phố vay lại với lãi suất 0%, dư nợ của việc phát hành trái phiếu hoặc khoản vay lại không tính vào hạn mức bội chi của ngân sách thành phố.

Tổng kết hội nghị, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận những nỗ lực rất lớn của Sở GTVT trong suốt 1 năm vô cùng khó khăn vì dịch bệnh. Sở GTVT đã tham mưu cho UBND thành phố những giải pháp an toàn, hiệu quả nhằm phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, còn nhiều dự án chậm tiến độ, giải phóng mặt bằng của các dự án còn nhiều vướng mắc…

“Chúng ta đã trễ 2 năm, ngành giao thông cần nỗ lực phấn đấu 200% để thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng của thành phố. Trong thời gian chờ đầu tư hệ thống hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu, cần khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, giảm tối thiểu 5% các chỉ tiêu về an toàn giao thông. Song song, chủ động phối hợp tốt với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam để đề xuất những giải pháp thực hiện các dự án liên tỉnh trọng điểm. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ 3 đề án trọng điểm của ngành giao thông thành phố đã được HĐND thành phố thông qua. Đề ra những đầu việc ưu tiên, làm theo lộ trình và có kết quả cụ thể” – Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

HÀ KHANH

TNO