08/01/2025

Thủ tướng chỉ đạo xử lý hậu quả dự án khu đô thị Đa Phước

Thủ tướng chỉ đạo xử lý hậu quả dự án khu đô thị Đa Phước

Sau nhiều năm “đắp chiếu”, nhiều hạng mục tại khu đô thị (KĐT) quốc tế Đa Phước (tại P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê và P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã bắt đầu xuống cấp.

 

 

Việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện bản án liên quan đến dự án 29 ha tại khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP.Đà Nẵng) đã có những tín hiệu khả quan sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đây tiếp tục là một bài toán nan giải trong xử lý các vấn đề pháp lý.

“Vụ việc phức tạp tồn đọng”

Sau nhiều năm “đắp chiếu”, nhiều hạng mục tại khu đô thị (KĐT) quốc tế Đa Phước (tại P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê và P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã bắt đầu xuống cấp. Trong khi đó, các hộ dân chuyển về sinh sống tại KĐT này vẫn thấp thỏm lo âu vì bản án số 20/2000/HS-ST ngày 13.1.2020 của TAND TP.Hà Nội yêu cầu phải thực hiện thu hồi dự án này.

Thời gian qua, việc thực hiện bản án số 20 cho thấy “đụng đến đâu vướng đến đó”. Điển hình, vào cuối năm 2020, đại diện cho gần 200 hộ dân đang sinh sống tại KĐT Đa Phước đã có đơn gửi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án. Trong đơn, đại diện các hộ dân cho hay, nếu thu hồi, vấn đề quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bất an cho người dân…

Thủ tướng chỉ đạo xử lý hậu quả dự án khu đô thị Đa Phước - ảnh 1
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước đang gặp phải hàng loạt vướng mắc về mặt pháp lý nên chưa thể thi hành án  HOÀNG SƠN

Trong khi đó, các báo cáo của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Đà Nẵng trong năm 2021 đều nêu việc thực hiện bản án số 20 liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng các cựu cán bộ liên quan, là “vụ việc phức tạp tồn đọng”. Tại báo cáo vào tháng 11.2021, Cục trưởng Cục THADS TP.Đà Nẵng Trần Phước Thu tiếp tục “kêu khó” trong thực hiện bản án số 20.

Đáng chú ý, ông Thu cho hay, có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thi hành bản án số 20 cũng như bản án số 158/2020/HSPT ngày 12.5.2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, Vũ “nhôm” và đồng phạm.

Lý do khiếu nại là vì họ cho rằng trong số các tài sản tuyên kê biên có tài sản đứng tên công ty, có tài sản đứng tên cá nhân khác nên việc Cục THADS TP.Đà Nẵng xử lý toàn bộ tài sản để thi hành án cho Vũ “nhôm” là không đúng, vi phạm luật THADS, luật Hôn nhân gia đình, luật Doanh nghiệp. Các đơn này đang trong quá trình chờ hướng dẫn nghiệp vụ để giải quyết.

Không thể thu hồi dự án

Liên quan đến dự án KĐT Đa Phước, bên cạnh thực hiện bản án số 20, UBND TP.Đà Nẵng còn phải thực hiện kết luận thanh tra số 1202/KL-TTCP ngày 28.7.2020 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại dự án này. Tháng 8.2021, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri TP.Đà Nẵng gửi Thủ tướng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Xây dựng, với nội dung “kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tháo gỡ những vướng mắc tại KĐT Đa Phước…”.

Bộ Xây dựng cho biết, ngày 28.7.2020, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng thực hiện nghiêm kết luận thanh tra số 1202. Các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận thanh tra. Bộ Xây dựng đề nghị cử tri TP.Đà Nẵng kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý dứt điểm các vướng mắc, đồng thời cung cấp cụ thể về các khó khăn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ giải quyết của các bộ và các cơ quan để có giải pháp tháo gỡ.

Trên thực tế, sau khi bản án số 20 có hiệu lực, trong khoảng 2 năm qua, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở ngành vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, vì nhiều vướng mắc nên UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị T.Ư cho phép không thu hồi dự án KĐT Đa Phước. UBND TP.Đà Nẵng cho hay, thông báo bổ sung bản án của TAND TP.Hà Nội giao TP.Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc dự án KĐT Đa Phước cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho công dân tại khu đất này. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế dự án, UBND TP.Đà Nẵng cho biết 2 nội dung đã nêu không thể thực hiện được.

Lý do, theo UBND TP.Đà Nẵng, hiện nay Công ty TNHH MTV phát triển nhà Đa Phước đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà cho khách hàng vào ở trong dự án. Do vậy, khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao đất cho các hộ dân là không thực hiện được do không giao đất trực tiếp mà phải thông qua đấu giá. Trong khi đó, phán quyết của tòa án là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật bảo đảm quyền lợi cho công dân tại khu đất này.

TP.Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ cho phép kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan KĐT Đa Phước, và cho phép không thực hiện nội dung tại bản án về thu hồi khu đất 29 ha.

Cần kiến nghị xem xét lại các bản án

Ngày 4.1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thực hiện bản án số 20/2000/HS-ST ngày 13.1.2020 của TAND TP.Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án 29 ha theo kết luận thanh tra số 1202 của Thanh tra Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng rà soát căn cứ pháp lý để xem xét báo cáo Chánh án TAND tối cao kháng nghị bản án liên quan đến dự án 29 ha theo thủ tục giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền quy định tại pháp luật về tố tụng hành chính.

Tạo tiền lệ để gỡ vướng cho nhiều dự án tương tự

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng, phân tích theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày các bản án trong vụ án này có hiệu lực, các đương sự có liên quan có thể yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị, và trong trường hợp này là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị đối với 2 bản án số 20 và 158.

“Điều quan trọng là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao phải thực hiện kháng nghị, thì các bản án đã có hiệu lực mới có cơ hội được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm”, luật sư Lê Cao nói.

Theo luật sư Lê Cao, sau chỉ đạo của Thủ tướng, đối với UBND TP.Đà Nẵng, khi kiến nghị cần làm rõ các vấn đề pháp lý mấu chốt để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc để sau này có thể thi hành án được.

“Với nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động quản lý đất đai đặc thù của Đà Nẵng tồn tại nhiều năm qua, UBND TP.Đà Nẵng cũng cần có kiến nghị liên quan đến bản án này để nếu được sẽ tạo tiền lệ gỡ vướng cho những vấn đề đang gặp phải trong nhiều dự án khác nữa”, luật sư Lê Cao nói.

HOÀNG SƠN

TNO