06/01/2025

Năm 2022, hơn 10 phương thức để vào đại học, thí sinh cần lưu ý gì?

Năm 2022, hơn 10 phương thức để vào đại học, thí sinh cần lưu ý gì?

Năm 2022, các trường đại học công bố sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh. Thí sinh nên lựa chọn thế nào và cần lưu ý gì?

 

Năm 2022, hơn 10 phương thức để vào đại học, thí sinh cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Dù nhiều phương thức xét tuyển nhưng điều kiện để trúng tuyển đại học là thí sinh phải tốt nghiệp THPT – Ảnh: NHƯ HÙNG

Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ THPT và các phương thức kết hợp khác.

Hơn 10 phương thức

Hiện có đến hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay, trong đó không ít trường đồng thời áp dụng đến 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thể lựa chọn phương thức phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển.

Các phương thức xét tuyển đã được các trường công bố, gồm:

1. Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT và quy định của trường.

2. Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022; xét tuyển học sinh của 83 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 66 trường THPT).

3. Xét tuyển học sinh giỏi.

4. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

5. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội); kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

6. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn.

7. Xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn.

8. Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

9. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài.

10. Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.

11. Xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT.

12. Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.

13. Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học.

14. Nhiều trường ĐH khác áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu…

Dùng kết quả thi năm 2022

Có thể thấy các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Phần lớn các trường không thay đổi nhiều về các phương thức xét tuyển so với năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt ở một số trường.

Do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường không biến động nhiều nên chỉ tiêu dành cho các phương thức được chia theo tỉ lệ khác nhau trong tổng chỉ tiêu chung.

Trong đó, với phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM liên tục tăng dần tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh từ phương thức này. Năm nay, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành đến 70% xét kết quả thi năng lực, Trường ĐH Kinh tế – luật đến 60%, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đến 50%…

Thí sinh cũng cần lưu ý đối với phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay các trường đều chỉ sử dụng kết quả thi của năm tuyển sinh, không chấp nhận kết quả thi các năm trước đó (ví dụ năm 2022 chỉ sử dụng kết quả thi của năm 2022). Tuy nhiên thí sinh có thể dự thi năng lực hơn 1 đợt chọn kết quả tốt nhất dùng để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Tương tự, đối với xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi THPT, THPT quốc gia các năm trước để tuyển sinh.

Chỉ trúng tuyển bằng một phương thức

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – lưu ý đối với xét tuyển học bạ, có trường chỉ xét học sinh trường chuyên tốp 100 hoặc tốp 200.

“Thí sinh cần tìm hiểu trường mình thuộc tốp nào để nộp hồ sơ xét tuyển cho chính xác, nếu trường không nằm trong tốp này mà thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ không hợp lệ. Ngoài ra, còn có nhiều trường không phân biệt trường chuyên hay không chuyên đối với xét tuyển bằng học bạ” – thầy Hùng cho hay.

ThS Nguyễn Hải Trường An – giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết do có nhiều phương thức xét tuyển nên số chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ bị cắt giảm dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này khá cao, dẫn đến việc nhiều thí sinh điểm khá cao nhưng vẫn rớt.

“Thí sinh trúng tuyển, nhập học bằng phương thức nào cũng sẽ học tập cùng với các thí sinh trúng tuyển bằng những phương thức khác. Vì vậy nếu đã trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở bất kỳ phương thức nào hãy nên xác nhận nhập học sớm”, cô An khuyên.

Phải nộp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đúng quy định

Năm 2021, một thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức có kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, có kết quả xét tuyển đủ điểm đậu vào trường nhưng lại không có tên trong danh sách vì thiếu chứng chỉ tiếng Anh.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo nhà trường – lưu ý: “Theo quy định, thí sinh đăng ký xét tuyển phương thức có kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phải nộp chứng chỉ về cho trường trong đúng thời gian quy định ở vòng sơ tuyển. Sau khi qua vòng sơ tuyển thí sinh mới đủ điều kiện đưa vào vòng lọc ảo toàn quốc trên hệ thống và phải đạt điểm chuẩn mới được công nhận trúng tuyển”.

TRẦN HUỲNH
TTO