09/01/2025

COVID-19 kéo dài, nhiều người điều trị khủng hoảng tâm lý bằng… ‘bác sĩ Google’

COVID-19 kéo dài, nhiều người điều trị khủng hoảng tâm lý bằng… ‘bác sĩ Google’

Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần, khiến các ca trầm cảm tăng lên. Thay vì tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn, nhiều người tìm kiếm “bác sĩ Google”.

 

COVID-19 kéo dài, nhiều người điều trị khủng hoảng tâm lý bằng... bác sĩ Google - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 làm tăng rối loạn lo âu và trầm cảm – Ảnh: STRAITS TIMES

Gặp vấn đề tâm lý, nhiều người lên mạng hỏi thông tin

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng – thành viên Hội tâm lý Việt Nam – chia sẻ quá trình tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, anh nhận thấy nhiều người gặp vấn đề tâm lý trong thời gian dài mới tìm đến bác sĩ để điều trị.

“Có những người gặp vấn đề tâm lý như lo âu, buồn rầu, sợ hãi… kéo dài 1 năm, có người 2 – 3 năm, khi tình trạng nặng, thậm chí có ý định tự tử mới tìm đến bác sĩ tâm lý để nhờ tư vấn.

Mọi người khi gặp vấn đề về sức khỏe hay tâm lý, thường lên mạng để tìm kiếm thông tin. Trên mạng, có thể dễ dàng tìm thấy những biểu hiện, triệu chứng của rối loạn tâm lý. Có rất nhiều bài test tâm lý và cho ra các số liệu về tình trạng bệnh đang ở mức nào. Sau đó nhiều người tự đánh giá theo kết quả của bài test, tự điều trị và tự mua thuốc.

Tuy nhiên đây chỉ là những thông tin tham khảo. Để đánh giá tình trạng bệnh cần có lộ trình thăm khám kỹ càng, như hỏi chuyện lâm sàng, quan sát, để đánh giá kết quả bài test có đúng không”, bác sĩ Hoàng thông tin.

Theo bác sĩ Hoàng, dịch COVID-19 khiến các vấn đề sức khỏe tâm thần tăng cao hơn. Bác sĩ Hoàng từng tư vấn cho một sinh viên năm 3 gặp vấn đề về tâm lý với biểu hiện thường xuyên lo âu, buồn rầu.

“Trước khi có dịch COVID-19, bạn vẫn kiểm soát được hành vi, tuy nhiên sau khi giãn cách xã hội, vấn đề tâm lý của bạn ngày càng nghiêm trọng hơn. Bạn ấy thường xuyên rửa tay, nhốt mình trong phòng không tiếp xúc với ai, biểu hiện trầm cảm nặng. Thậm chí bạn ấy không tham gia học online, làm đơn bảo lưu kết quả học tập.

Khi nắm được tình trạng của bạn ấy, cô giáo chủ nhiệm đã kết nối với tôi và tôi đã tư vấn, điều trị tâm lý cho sinh viên này. Đến nay tình trạng của bạn đang dần ổn định”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Tự điều trị, bệnh có thể kéo dài, trở nặng hơn

Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân đã khỏi COVID-19, bác sĩ tâm thần Bùi Phương Thảo – Bệnh viện tâm thần Ban Ngày Mai Hương – cho biết đa số các bệnh nhân ám ảnh sợ không gian hẹp, ám ảnh sợ xã hội, buồn chán, bi quan, tự ti…

Theo bác sĩ Thảo, một khảo sát do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức từ tháng 9 cho thấy 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm.

Đặc biệt những bệnh nhân nặng phải thở máy, tỉ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, điều trị tâm thần.

“Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua, mỗi ngày chúng ta đều thấy tràn ngập những con số đong đếm được như ca mắc, ca nặng, ca tử vong… Nhưng những hậu quả gián tiếp của đại dịch thì không thể thống kê. Đó là nhiều người rơi vào trạng thái stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần. COVID-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tâm thần, khiến các ca trầm cảm tăng lên”, bác sĩ Thảo nói.

Bác sĩ Thảo cho biết lượng công việc và số bệnh nhân cần khám chữa bệnh trong 2 năm qua tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, các nhóm bệnh lo âu, trầm cảm, nghiện game Internet ở trẻ em, các rối loạn ám ảnh sợ… Đây là những ảnh hưởng phổ biến do thời gian dịch bệnh giãn cách, không được tiếp xúc với bên ngoài, lo sợ dịch bệnh.

TS Nguyễn Bá Đạt – giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – cũng cho rằng việc chăm sóc sức khỏe tâm thần là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện này.

“Không phải lúc nào chúng ta gặp các rối loạn về mặt tâm lý hoặc các chứng bệnh tâm thần thì mới nên đi gặp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần. Khi chúng ta có những biểu hiện chán nản, mệt mỏi, không làm chủ được hành vi, cảm xúc cũng cần đến công việc tham vấn, trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý để nhận sự hỗ trợ về mặt tâm lý.

Hiện nay, có nhiều nhóm bác sĩ tư vấn miễn phí tâm lý cho các bệnh nhân điều trị khỏi COVID hay ứng dụng khám, điều trị từ xa. Khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, không nên tìm kiếm thông tin không chính thống trên mạng để tự điều trị, kéo dài thời gian dẫn đến tình trạng tâm lý trầm trọng hơn”, ông Đạt khuyến cáo.

DƯƠNG LIỄU
TTO