24/11/2024

Lạm phát cao kỷ lục khu vực đồng tiền chung châu Âu

Lạm phát cao kỷ lục khu vực đồng tiền chung châu Âu

Ngày 7-1, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỉ lệ lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12-2021, so với cùng kỳ năm 2020.

 

Lạm phát cao kỷ lục khu vực đồng tiền chung châu Âu - Ảnh 1.

Người đi mua sắm ở Berlin, Đức ngày 21-12-2021 – Ảnh: REUTERS

Theo Đài CNBC, đây là mức lạm phát cao nhất kể từ khi cơ quan chức năng bắt đầu thu thập dữ liệu năm 1997.

Mức tăng lạm phát chủ yếu do giá năng lượng tăng đặc biệt cao. Trong tháng 12 vừa qua, mức tăng giá năng lượng hằng năm đã lên tới 26%, vượt xa các mặt hàng khác trong giỏ hàng hóa được khảo sát. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 3,2%, hàng công nghiệp tăng 2,9%, dịch vụ tăng 2,4%.

Lạm phát đã thành mối quan tâm lớn của người dân và giới chính trị gia châu Âu sau những đợt tăng liên tiếp trong những tháng gần đây.

Các nhà quản lý tiền tệ đang tranh luận về việc liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB có nên thực hiện một lập trường tích cực hơn để chống lại tình trạng giá cả tăng cao hay không.

Theo Hãng tin Reuters, ECB trước đó dự báo lạm phát chỉ là tạm thời và không nguy hiểm nên dường như đã mất cảnh giác.

Vào tháng trước, ECB cho biết “tiền tệ vẫn cần thiết để lạm phát ổn định ở mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn” và sẽ tiếp tục các mức kích thích chưa từng có cho nền kinh tế vào năm 2022.

Theo thống kê của Eurostat, trong các nước thành viên eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Theo đó, Estonia cao nhất với 12%, kế đến là Lithuania với 10,7%, Latvia 7,7%. Với các nước lớn, Tây Ban Nha 6,7%, Bỉ 6,5%, Hà Lan 6,4%, Đức 5,7%.

Ý và Pháp có mức lạm phát thấp hơn do giá cả hàng hóa tại hai nước này vừa phải hơn.

Các nhà kinh tế cho rằng đại dịch COVID-19 và lạm phát là những rủi ro lớn nhất với nền kinh tế trong năm 2022. Các nhà kinh tế có các quan điểm khác nhau về cách kéo lạm phát xuống như thế nào.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp và thành viên Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu François Villeroy de Galhau cho biết: “Trong khi vẫn rất thận trọng, chúng tôi tin rằng những khó khăn về chuỗi cung ứng và áp lực giá năng lượng sẽ giảm dần trong năm nay. Sau đó, chúng ta không nên quay trở lại mức lạm phát thấp trong quá khứ, mà chuyển sang một mức lạm phát mới gần với mục tiêu 2% với việc bình thường hóa chính sách tiền tệ theo từng giai đoạn”.

Kỷ lục về lạm phát trước đó của khu vực đồng tiền chung châu Âu là 4,9% ghi nhận vào tháng 11-2021.

HỒNG VÂN
TTO