23/01/2025

Bài toán nan giải trước mối nguy thao túng toàn cầu

Bài toán nan giải trước mối nguy thao túng toàn cầu

Việc các ứng dụng công nghệ trên internet bao trùm đời sống người dân toàn cầu được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro mà chính phủ các nước phải tìm cách xử lý.

 

 

Theo báo cáo mới đây của Eurasia Group (Mỹ) – đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, vấn đề các “đại gia” công nghệ đang kiểm soát thông tin cá nhân gần như toàn diện đối với nhân loại đang trở thành rủi ro lớn thứ 2 đối với thế giới trong năm 2022.

Bài toán nan giải trước mối nguy thao túng toàn cầu - ảnh 1
Công nghệ đang tạo nên các mặt trái đầy rủi ro cho nhân loại  SHUTTERSTOCK

Thách thức quyền lực các nhà nước

Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt lĩnh vực internet, đem đến cho nhân loại nhiều tiện ích. Nhưng ngược lại thì thông tin, dữ liệu cá nhân của hàng tỉ người trên thế giới đang nằm trong tay các “đại gia” công nghệ. Năm 2022, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhân loại tiếp tục dành nhiều thời gian trên internet hơn, thì sự chi phối của các công ty công nghệ càng trở nên lớn hơn.

Từ lợi thế này, theo Eurasia Group, các công ty công nghệ lớn viết các thuật toán quyết định những gì mọi người nhìn thấy và nghe thấy, định hướng suy nghĩ người dùng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Qua đó, các thuật toán được cung cấp dữ liệu thiên lệch gây ảnh hưởng sâu sắc đến cách sống, làm việc và cảm xúc của hàng tỉ người. Sự định hướng này có thể khiến cho cảm nhận yêu – ghét, quan điểm chính trị – xã hội bị thiên lệch.

Điều đó tạo ra nguy cơ các vụ hỗn loạn, kích động bạo lực, nhiều người chìm sâu trong thuyết âm mưu, thao túng chính trị. Thực tế, không ít vụ bạo loạn đã diễn ra trên thế giới, mà nguyên nhân về sau được làm rõ xuất phát từ các thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Thậm chí, đã có không ít cáo buộc về việc kết quả một số bầu cử Mỹ gần đây đã bị thao túng bởi các sức mạnh trên “thế giới ảo”.

Không chỉ ảnh hưởng đến chính trị – xã hội mà các nguy cơ trên còn tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô lẫn tài chính cá nhân. Bởi cộng đồng có thể bị định hướng để chạy theo các cơn sốt ảo về đầu tư, dẫn đến bị thao túng và mất tiền cho một nhóm nhỏ đang lợi dụng điều phối thông tin về đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Bằng chứng là trong năm qua, không ít người đã bị thiệt hại nặng khi bị dẫn dụ các khoản đầu tư vào tiền ảo.

Chính vì thế, theo Eurasia Group, các thành phần quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người dân trên toàn thế giới, thậm chí một số chức năng thiết yếu của nhà nước, đều ngày càng tồn tại nhiều hơn trong thế giới kỹ thuật số. Tương lai của hiện trạng này đang được định hình bởi các công ty công nghệ. Tất cả giúp cho các “đại gia” công nghệ đang dần hình thành sức mạnh địa chính trị đầy quyền lực.

Bài toán nan giải

Từ vài năm qua, các nguy cơ trên đã được cảnh báo mạnh mẽ nên chính phủ nhiều nước đã vào cuộc.

Liên minh châu Âu dự kiến thông qua luật mới vào năm 2022 nhằm hạn chế một số hoạt động kinh doanh của các “đại gia” công nghệ lớn. Nhà chức trách Mỹ cũng sẽ đẩy mạnh thêm các vụ kiện chống độc quyền và bắt đầu tiến trình thiết lập các quy tắc mới về quyền riêng tư kỹ thuật số dù đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trung Quốc cũng tiếp tục gây sức ép để buộc các công ty công nghệ phải tuân thủ các ưu tiên quốc gia do nhà nước xác định. Chính phủ Ấn Độ và các nơi khác cũng tiến đến đặt ra các hạn chế đối với các loại dữ liệu có thể được sử dụng bởi các lực lượng bên ngoài.

Tuy nhiên, theo Eurasia Group, tất cả nỗ lực trên chưa đủ để thách thức nguồn lợi và ảnh hưởng của các siêu tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Một thách thức quan trọng đặt ra cho các chính phủ là không thể từ bỏ các cơ hội phát triển kinh tế từ sự phát triển của công nghệ. Việc cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ là không hề đơn giản.

Điển hình cho thách thức vừa nêu chính là Trung Quốc. Nước này có hệ thống tường lửa và giám sát internet tinh vi nhất thế giới, chính quyền cũng không ngần ngại siết chặt kiểm soát, thậm chí trừng phạt các “đại gia” công nghệ, thể hiện qua hàng loạt án phạt đối với nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn cần sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bùng nổ công nghệ. Vì thế, nếu chính quyền Trung Quốc kiểm soát quá mức đối những “đại gia” công nghệ trong nước thì khó có thể phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết để nâng cao năng suất và mức sống chung về dài hạn.

Do vậy, khi các chính phủ chưa có được biện pháp kiểm soát hiệu quả các thách thức trên, thì rủi ro vẫn còn tồn tại và ngày càng ẩn chứa nguy cơ đáng lo ngại.

HOÀNG ĐÌNH
TNO