19/11/2024

Chỉ học kiến thức cốt lõi mà lại thi đánh giá năng lực

Chỉ học kiến thức cốt lõi mà lại thi đánh giá năng lực

Học sinh ở Hà Nội phần lớn vẫn phải học trực tuyến với nội dung kiến thức được giảm tải chỉ còn ở mức “cốt lõi”, trong khi kỳ tuyển sinh đại học năm nay nhiều trường tốp đầu thay đổi, dựa chủ yếu vào kết quả thi đánh giá năng lực.

 

 

Số trường dạy học trực tiếp ở Hà Nội ngày càng giảm

Đến thời điểm này, theo phân cấp độ dịch mới, TP.Hà Nội vẫn thuộc cấp độ 2. Tuy nhiên, Hà Nội đang có 10 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 3; 18 địa phương ở cấp độ 2 và 2 huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ ở cấp độ 1 (vùng xanh). Các địa phương có dịch ở cấp độ 3 gồm các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và 2 huyện Thanh Trì, Gia Lâm.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, những nơi dịch ở cấp độ 3 (vùng cam) cho học sinh (HS) lớp 9 và 12 dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến; nếu chuyển về cấp độ 2, HS khu vực đó được trở lại trường. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, số trường đóng cửa ngày càng nhiều, trong khi những nơi đủ điều kiện vẫn dè dặt mở cửa lại đón HS. Tâm lý chung đều bày tỏ lo ngại nếu áp theo hướng dẫn riêng của Hà Nội thì việc đi học cũng sẽ rất bất ổn và gây xáo trộn không cần thiết vì chỉ sau 1 – 2 tuần lại chuyển sang học trực tuyến.

Chỉ học kiến thức cốt lõi mà lại thi đánh giá năng lực - ảnh 1
Học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đi học trở lại nhưng nay chuyển sang học trực tuyến  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Ngay tại Q.Đống Đa, từ cuối tuần trước, mặc dù dịch đã đổi từ cấp độ nguy cơ cao xuống nguy cơ thấp nhưng các trường vẫn dè dặt trong việc mở cửa trở lại. Trước đó, các trường ở quận này mới chỉ cho HS lớp 12 đi học được đúng 1 tuần đầu tiên đã phải đóng cửa vì cấp độ dịch thay đổi. Lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa) cho biết trường vẫn chưa cho HS lớp 12 học trực tiếp vì quận không còn là “vùng cam” nhưng HS ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó nhiều nơi có mức độ dịch ở cấp 3. Nhiều trường cho rằng hiện nay HS đã tiêm đủ 2 mũi với tỷ lệ cao, ngành y tế nên có nghiên cứu, đánh giá và hướng dẫn để nếu có thể, cho phép toàn bộ HS từ lớp 10 – 12 đi học trực tiếp.

Kiểm tra học kỳ trực tuyến

Các trường trung học ở Hà Nội đến thời điểm này hầu hết đã hoàn thành việc kiểm tra học kỳ 1 bằng hình thức trực tuyến. Mỗi trường áp dụng những quy định khác nhau để giám sát chất lượng.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho biết Trường THPT Việt Đức nằm ở địa bàn Q.Hoàn Kiếm, sau 3 tuần HS lớp 12 trở lại trường, do quận này chuyển cấp độ dịch lên mức 3 nên HS lại chuyển sang học trực tuyến. Do vậy, nhà trường lúc nào cũng phải sẵn sàng kịch bản cho các tình huống phát sinh để ứng với hình thức học tập khác nhau.

Theo bà Quỳnh, dù kiểm tra trực tuyến nhưng tất cả giáo viên được yêu cầu đến trường để cùng giám sát quá trình làm bài của HS thay vì chỉ giao cho 1 giáo viên; điều này cũng giúp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các sự cố về đường truyền, về mạng trong quá trình HS làm bài, nộp bài… Bên cạnh đó, cách thức ra đề để HS có muốn cũng không quay cóp được là một trong những biện pháp để giảm thiểu tiêu cực khi buộc phải kiểm tra trực tuyến.

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Cầu Giấy), cho biết việc giám sát kiểm tra trực tuyến bằng nhiều cách, trong đó có so sánh giữa kết quả học tập thường xuyên của HS với kết quả của các bài kiểm tra định kỳ, nếu có chênh lệch bất thường thì đều phải rà soát và có biện pháp chấn chỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nêu thực tế: “Học trực tuyến, kiểm tra thường xuyên và định kỳ cũng trực tuyến, chất lượng sẽ ảo. Khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, nên có đợt tổng kiểm tra chất lượng để đánh giá đúng thực chất. Từ đó, các địa phương chủ động xác định thời gian kết thúc năm học thích hợp”.

Ảnh hưởng gì đến việc tuyển sinh vào đại học ?

Theo thông báo về chủ trương tuyển sinh của một số trường ĐH lớn, năm nay nhiều trường sẽ giảm hẳn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do 2 ĐH Quốc gia tổ chức, cùng những phương thức tuyển sinh khác.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh cho biết vấn đề HS lớp 12 của nhà trường quan tâm nhiều không phải kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT ra sao, mà là việc các trường ĐH tuyển sinh thế nào trong bối cảnh học trực tuyến vì dịch bệnh như hiện nay. Do vậy, rất mong các trường thông báo càng sớm, càng cụ thể càng tốt về phương án tuyển sinh năm nay, để HS và nhà trường không bị động. Bà Quỳnh cho rằng ảnh hưởng chất lượng dạy học trực tuyến là không thể tránh khỏi. Dù HS lớp 12 cũng lo học để thi hơn các khối còn lại nhưng cũng có một bộ phận thiếu hụt kiến thức, giáo viên phải phân nhóm riêng để có biện pháp đặc biệt.

H.Linh, HS lớp 12 Trường THPT Quang Trung (Hà Nội), lo lắng không rõ đề thi đánh giá năng lực của các trường ĐH ra theo hướng nào, có căn cứ vào chương trình giảm tải của Bộ và thực tế nơi thì học trực tuyến, nơi học trực tiếp như hiện nay hay không.

Nhiều ý kiến khác tỏ ra lo ngại việc thi đánh giá năng lực để tuyển sinh ĐH có thể sẽ thiệt thòi cho những HS phải học trực tuyến kéo dài, vì theo hướng dẫn giảm tải ứng phó với dịch bệnh mà Bộ GD-ĐT ban hành đầu năm học này, thì tất cả các môn học chỉ giữ lại phần nội dung kiến thức cốt lõi. Do vậy, câu hỏi đặt ra là HS học kiến thức cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT có đủ để tham dự các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT và đặc biệt là tuyển sinh ĐH theo phương thức mới hay không?

Bộ GD-ĐT nói gì ?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định hướng dẫn tinh giản chương trình nhưng không làm mất đi tính hệ thống và vẫn đảm bảo các nội dung cốt lõi. Qua đó giúp HS phát triển phẩm chất, năng lực, có được kiến thức và kỹ năng, giúp các em tham gia các kỳ thi do các cấp tổ chức.

Ông Thành cũng cho rằng so với cách thi tốt nghiệp THPT với thi đánh giá năng lực không có sự khác nhau đáng kể nào, ngoài hình thức thi, cấu trúc đề có thể khác nhau. Các bài kiểm tra, đánh giá, thi đối với HS đều phải dựa vào kiến thức, kỹ năng của chương trình mà HS đã học. Dù được tổ chức theo hình thức nào thì mỗi đề kiểm tra, đánh giá, thi đều bao gồm các câu hỏi, bài tập trong đó yêu cầu HS phải huy động được những kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra theo các mức độ khác nhau.

Cũng theo ông Thành, nếu HS đã nắm vững kiến thức, kỹ năng đã học một cách có hệ thống; có năng lực huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học theo các mức độ yêu cầu của chương trình thì dù đề kiểm tra, đánh giá được cấu trúc thế nào thì sẽ làm được các câu hỏi, bài tập trong đó. Các HS nắm chắc kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống và có thể tham khảo, luyện tập theo 1 – 2 đề thi minh họa tương ứng với các kỳ thi thì chắc chắn đáp ứng yêu cầu.

Ông Thành cũng lưu ý theo hướng dẫn thực hiện chương trình ứng phó với dịch Covid-19, đề kiểm tra, đánh giá, thi không bao gồm những nội dung hướng dẫn HS tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm…

 

TUỆ NGUYỄN

TNO