28/12/2024

Trung Quốc ngừng nhập, trái cây lại bán đổ bán tháo: Do đâu, có lối ra không?

Trung Quốc ngừng nhập, trái cây lại bán đổ bán tháo: Do đâu, có lối ra không?

Báo Tuổi Trẻ ngày 31-12-2021 đăng bài ‘Trung Quốc ngừng nhập, thanh long bán đổ, bán tháo’. Nhà nông nhiều tỉnh điêu đứng khi trái cây giá rẻ đến tận cùng. Câu chuyện hên xui may rủi nhiều năm lại tái diễn, do đâu, có lối ra không?

 

Trung Quốc ngừng nhập, trái cây lại bán đổ bán tháo: Do đâu, có lối ra không? - Ảnh 1.

Người dân Lục Ngạn, Bắc Giang thu hoạch và mang vải thiều tới các điểm thu mua hồi tháng 5-2021 – Ảnh: NAM TRẦN

. Trung Quốc ngừng nhập, thanh long bán đổ, bán tháo

“Trung Quốc đất rộng, có mấy vùng khí hậu, hiện nay đã trồng đủ các loại cây trái và nông sản. Thời điểm ở Trung Quốc vào mùa vụ thu hoạch, tôi không sang Việt Nam thu mua trái cây. Việt Nam muốn bán được trái cây giá cao tại thị trường Trung Quốc thì phải tính toán, chọn giống cây trồng lệch mùa thu hoạch của Trung Quốc.

Chẳng hạn, vải thiều của Trung Quốc hết vụ một tháng, vải thiều của Việt Nam bắt đầu chín nên mới bán được tại Trung Quốc” – ông Lưu Tam, người ở thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, mỗi tuần nhập hàng trăm xe ôtô nông sản của Việt Nam tại cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài, nêu ra nguyên nhân cơ bản.

Qua những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” tại các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc, diễn ra nhiều năm, chúng tôi có mấy đề xuất đầu ra nông sản như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần cử chuyên gia sang nghiên cứu thực tế các vùng đất nông nghiệp của Trung Quốc, từ đó khuyến cáo cho các tỉnh thành trong cả nước về chủng loại cây trồng, về khả năng thị trường tiêu thụ mang tính trung và dài hạn. Nếu không làm theo cách này, người nông dân vẫn trồng theo kiểu may thì bán được giá cao, rủi thì bán không được lại chặt bỏ.

Thị trường Trung Quốc vẫn là “nồi cơm” của người nông dân và doanh nghiệp của ta vì dễ làm, dễ bán, chi phí vận chuyển thấp, là một yếu tố để cạnh tranh với hàng nông sản của Thái Lan, Malaysia…

2. Coi trọng thị trường trong nước. Lâu nay, người dân Việt Nam bị “đầu độc” cay nghiệt bởi: mạng xã hội, truyền thông lan truyền những thông tin một số sản phẩm bị trộn hóa chất để ép trái cây chín sớm, bỏ chất bảo quản cho sản phẩm tươi lâu. Nhiều người xem thấy sợ không dám ăn. Nhưng thực tế, không riêng Việt Nam, trên thế giới đều sử dụng chất cho trái cây chín đồng loạt.

Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm nghiên cứu và công bố rõ ràng cho toàn dân biết chất nào được sử dụng làm cho trái cây chín đồng loạt và các chất bảo quản… là chất gì, có độc hại như thế nào đối với cơ thể hay không? Đất nước ta có 100 triệu dân, mỗi năm chỉ cần 1 người ăn 10kg trái cây, tổng sản lượng tiêu thụ rất lớn ở thị trường trong nước.

3. Phải nói rằng người nông dân nước ta rất nhạy bén với thị trường. Hễ thấy cái gì “ngon” bán có giá là nhảy vô làm tới liền, đôi khi dẫn đến “cung” đã vượt quá “cầu”. Người nông dân cần được đào tạo, tập huấn kiến thức kinh doanh nông nghiệp một cách bài bản, có kiến thức kinh doanh họ sẽ hoạch toán tương đối chính xác mảnh đất của mình.

4. Nhà nước cần có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi, từ vùng nguyên liệu, liên kết hộ nông dân đến xây dựng nhà máy chế biến sâu xuất khẩu. Hình thành nhiều hợp tác xã nông nghiệp để giúp nông dân tăng khả năng quản trị cây trồng, cấp mã vùng trồng theo quy chuẩn để phục vụ xuất khẩu, khi đối tác yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo chuẩn quốc tế. Làm tốt khâu này sẽ xuất khẩu được nhiều thị trường trên thế giới.

Cung – cầu và sự lựa chọn lợi nhuận

Bấm ngón tay nhẩm tính số kilômet hành trình nông sản Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Trung Quốc, ông Lưu Tam nói: “Tôi đã sang tận vùng miền Tây của Việt Nam mua nông sản rồi. Trái cây trồng ở tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang… xe chạy mất gần 2 ngày 2 đêm mới đến cửa khẩu, chuyển sang chợ đầu mối ở Bằng Tường.

Tại đây, các thương lái ra mua và chuyển đến thành phố Thượng Hải, Triều Châu, Hồ Nam… mất thêm mấy ngày nữa. Vì vậy, việc thu hoạch và cách bảo quản vô cùng quan trọng đối với hàng nông sản tươi của Việt Nam. Nếu có trục trặc ở dọc đường, kéo dài thời gian, xe đến cửa khẩu hàng hóa bắt đầu hỏng, chúng tôi sẽ không mua”.

Chợ đầu mối biên giới Bằng Tường có sức chứa 700 xe tải chở nông sản, trong đó có 350 chiếc xe bán – 350 chiếc xe mua. “Nếu có mua bán “giỏi”, mỗi ngày cũng chỉ tiêu thụ khoảng 300 xe tải hàng hóa, trong khi đó xe của Việt Nam chờ ở dọc đường và khu vực cửa khẩu 2.000 – 4.000 xe. Dưa hấu cứ chở “trần” (lẽ ra phải chở xe đông lạnh) gặp trời nắng ba ngày không bán được, dưa bắt đầu hỏng là vứt hết” – ông Tam chỉ ra thông tin cần thiết.

Trung Quốc đưa ra những chính sách cửa khẩu và thu thuế cho từng vùng của họ. Ví dụ, một xe tải măng cụt qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, phía Trung Quốc thu thuế 100 triệu đồng. Cũng xe này, nếu chuyển sang xuất ở cửa khẩu Cốc Nam (cách Hữu Nghị mấy cây số) chỉ áp thuế 30 triệu đồng.

Nếu chuyển hàng lên cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) hay Kim Thành (Lào Cai), Tà Lùng (Cao Bằng), thuế và phí rẻ hơn qua cửa khẩu Lạng Sơn. Trung Quốc đưa ra chính sách này để thu hút hàng hóa lưu thông mạnh ở những địa phương biên giới chậm phát triển. Tận dụng điều này cũng là cách có lợi nhuận tốt hơn cho nông sản Việt Nam ở cửa khẩu.

HẢI LUẬN
TTO