28/12/2024

Sâm giả bày bán tràn lan, chưa có nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh nào được cấp chứng nhận

Sâm giả bày bán tràn lan, chưa có nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh nào được cấp chứng nhận

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh tung ra thị trường nhiều sản phẩm, quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, việc giám sát, chống hàng giả lại rất khó thực hiện vì còn “nhập nhằng” giữa các đơn vị chức năng.

 

Sâm giả bày bán tràn lan, chưa có nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh nào được cấp chứng nhận - Ảnh 1.

Những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam, được trưng bày quảng bá khách hàng – Ảnh: TRẦN VẤN

Sâm Ngọc Linh được xem là “quốc bảo Việt Nam”, là loại dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư.

Tuy nhiên, tình trạng sâm giả, tam thất, điền trúc và một số loài cây có hình dạng tương tự…. “đội lốt” sâm Ngọc Linh tràn lan khắp nơi.

Vàng thau lẫn lộn

Đầu tháng 12-2021, Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam khi khai trương quảng cáo các sản phẩm của mình, đã công bố sở hữu 10ha sâm Ngọc Linh nhưng khi ngành chức năng yêu cầu chứng minh thì không chứng minh được.

Vì thế, nhiều người đặt nghi vấn về nguồn gốc các sản phẩm của công ty này được cho làm từ sâm Ngọc Linh.

Sâm giả bày bán tràn lan, chưa có nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh nào được cấp chứng nhận - Ảnh 2.

Các sản phẩm được kết thành tháp quà khi khách có nhu cầu – Ảnh: TRẦN VẤN

Xung quanh trung tâm TP Kon Tum và các thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều thấy các biển hiệu, cửa hàng hay những doanh nghiệp lớn kết nối với nhau bán sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Qua tìm hiểu, tại các cơ sở, cửa hàng bày bán đủ các loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum đều nhận được câu trả lời không có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước.

Thay vào đó là các nhân viên cho biết quét mã QR trên nhãn tem để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chứng minh là cái gọi là… “hàng thật”.

Vậy làm sao để biết được những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đang bày bán ở trên thị trường hiện nay là thật, đạt chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng?

Sâm giả bày bán tràn lan, chưa có nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh nào được cấp chứng nhận - Ảnh 3.

Một sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của một của hàng trên địa bàn TP Kon Tum – Ảnh: TRẦN VẤN

Ông Huỳnh Trung Kim – phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum – cho biết quyền nhãn hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum vẫn chưa cấp cho đơn vị nào trên địa bàn tỉnh.

“Lúc trước chưa được bảo hộ bởi Cục sở hữu trí tuệ thì các đơn vị có quyền sử dụng, nhưng bây giờ sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được bảo hộ, nên các doanh nghiệp chưa được cấp quyền mà sử dụng là vi phạm.

Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và giấy chứng nhận nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum chưa cấp cho đơn vị nào, kiểm tra dán nhãn sai vẫn cứ xử phạt. Sắp tới, tập trung kiểm tra, xác nhận, bắt buộc đăng ký cấp quyền mới dán nhãn hiệu lên được.” – ông Kim nói.

Sâm giả bày bán tràn lan, chưa có nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh nào được cấp chứng nhận - Ảnh 4.

Một trong những loại rượu làm từ sâm Ngọc Linh, mỗi loại có một giá khác nhau – Ảnh: TRẦN VẤN

Khó kiểm soát vì… chưa cấp nhãn hiệu

Thực tế, việc cấp nhãn hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, nhằm đảm bảo chất lượng đúng theo thương hiệu thì giữa các đơn vị chức năng vẫn còn “nhập nhằng”, không thống nhất, dẫn đến khó quản lý thị trường sâm.

Ông Kim thông tin thêm: “Nhập nhằng trong việc cấp quyền vì Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa xác nhận được nguồn gốc, chất lượng. Hội sâm Ngọc Linh đã giải thể, mới thành lập lại Hội dược liệu (thuộc Sở Y tế), quản lý nhãn hiệu, chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý.

UBND tỉnh mới có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành việc xác nhận để tiến tới cấp nhãn hiệu.”

Ông Hoàng Văn Bích – phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y dược thuộc Sở Y tế tỉnh Kon Tum – cho biết, Hội dược liệu tỉnh Kon Tum vừa mới thành lập (26-10 năm nay), chưa giao quyền cho Sở Y tế nên về góc độ pháp luật, với sâm Ngọc Linh Sở Y tế chưa thể cấp.

Theo Sở Khoa học – công nghệ thì “nhập nhằng” trong việc cấp quyền nhãn hiệu là do chưa có xác nhận nguồn gốc, chất lượng của sâm Ngọc Linh từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại cho rằng chưa nhận được hồ sơ, đầy đủ thủ tục liên quan của các tổ chức, cá nhân yêu cầu đơn vị đi kiểm tra, nên chưa có cơ sở tiến hành.

Ông Nguyễn Hoài Tâm – phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum – cho biết ngày 26-4-2021 Sở Khoa học – công nghệ có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác nhận điều kiện của một số doanh nghiệp.

“Sau đó Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có văn bản đề nghị đơn vị yêu cầu các tổ chức cá nhân mà có nhu cầu thì gửi toàn bộ hồ sơ này về cho sở để tiến hành đi kiểm tra và xác nhận. Từ đó, đến nay chưa nhận được bất kỳ hồ sơ của tổ chức, cá nhân nào” – ông Tâm nói.

Hơn 4 năm, vẫn chưa cấp chứng nhận… cho ai

Được biết, từ ngày 22-6-2018, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định số 636/QĐ-UBND về Ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa có cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào được cấp chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý trên.

TRẦN VẤN
TTO