27/12/2024

Nhà vườn miền Tây ngại làm trái cây tạo hình vì sợ ế

Nhà vườn miền Tây ngại làm trái cây tạo hình vì sợ ế

Lo ngại sức mua của thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều nhà vườn miền Tây dè dặt xuống giống hoa kiểng và ngại làm trái cây tạo hình.

 

 

Trái cây tạo hình không còn phong phú

Lo ngại sức mua của thị trường sẽ giảm mạnh, nhiều nhà vườn miền Tây không dám sản xuất trái cây tạo hình phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

 Nhà vườn miền Tây ngại làm trái cây tạo hình vì sợ ế - ảnh 1
Sản phẩm bưởi tạo hình Tết Nguyên đán 2022 có số lượng rất ít.  DUY TÂN

Anh Bùi Văn Thức (ngụ H.Châu Thành, Hậu Giang), nhà vườn chuyên sản xuất xoài in chữ thư pháp đánh giá, thị trường tết năm nay sẽ ảm đạm nên lúc đầu anh tính chỉ làm 500 trái xoài in chữ. Tuy nhiên, vì nhiều nhà vườn không làm trái cây tạo hình nên số lượng đặt hàng chỗ anh tăng lên gấp đôi. “Hiện tại, khách đã đặt gần 1.000 trái xoài in chữ thư pháp và có thể sẽ đặt mua thêm trong thời gian tới. Đây là một trong những sản phẩm ít ỏi được nhà vườn tạo hình trong dịp tết năm nay”, anh Thức nói. Ngoài chữ thư pháp Tài – Lộc in trên trái xoài như những năm trước, sản phẩm của anh Thức năm nay đa dạng kiểu chữ hơn.

 Nhà vườn miền Tây ngại làm trái cây tạo hình vì sợ ế - ảnh 2
Xoài in chữ thư pháp xuân năm 2022.  DUY TÂN

Tại H.Châu Thành (Hậu Giang), hiện chỉ có lão nông Võ Hồng Quốc (74 tuổi) tạo hình đào tiên hồ lô nhưng số lượng rất ít, chỉ vài trăm trái do loại trái này ít chịu rủi ro như bưởi.

Anh Huỳnh Thanh Tâm (34 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Bến Tre), được ví là “phù thủy” tạo hình bưởi cũng thừa nhận, lo sợ sức mua giảm nên năm nay anh không dám sản xuất bưởi hồ lô, bưởi vuông…mà chỉ sản xuất dừa tròn, in chữ nổi theo đơn đặt hàng với số lượng ít và giữ nguyên mức giá so với năm trước. Tuy vậy, anh vẫn chuyển giao kỹ thuật và bán cho nhà vườn miền Tây hơn 1.500 khuôn bưởi tạo hình.

 Nhà vườn miền Tây ngại làm trái cây tạo hình vì sợ ế - ảnh 3
Anh Tâm chỉ sản xuất dừa in chữ thư pháp nổi cho dịp tết năm nay.  DUY TÂN

Nhiều khu đất trồng hoa truyền thống bị bỏ trống

Cũng lo ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà vườn miền Tây không dám thuê đất trồng hoa vì sợ “mất” tết. Anh N.V.B. (quê H.Chợ , Bến Tre) chia sẻ, “Tết năm trước, nhà tôi phải bỏ hơn nửa vườn hoa, lỗ tiền thuê đất và nhân công, coi như không có tết. Thế nên năm nay, tôi không dám sang Vĩnh Long thuê đất trồng hoa nữa”.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các khu đất trống dọc QL57 (thuộc địa bàn xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long), trước đây thường được người dân thuê để trồng hoa tết nhưng nay rất nhiều khu đất bỏ trống. Chỗ có người thuê chỉ trồng diện tích bằng một nửa năm trước. Đặc biệt, có hộ trồng hoa theo đơn đặt hàng.

 Nhà vườn miền Tây ngại làm trái cây tạo hình vì sợ ế - ảnh 4
Nhà vườn H.Long Hồ (Vĩnh Long) đang lặt bớt nụ hoa cúc, chừa lại những nụ hoa khỏe nhất để có những bông đẹp nhất  XUÂN PHÚC

Anh Phạm Thanh Thuận (35 tuổi, ngụ P.5, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) đến xã Thanh Đức, thuê 6 công đất trồng hoa tết. Hiện tại, anh Thuận trồng hơn 14.000 chậu hoa, chủ yếu là vạn thọ, cúc, mồng gà… Trong số này, có 40% là người ta đã đặt hàng. “Năm nay, dịch bệnh khó khăn, giá sơ dừa và phân bón tăng khoảng 10% nên ít người trồng hoa lắm”

Cũng theo anh Thuận, vườn hoa của anh chủ yếu bán khách sỉ nên cũng không bận tâm về chuyện giá cả lắm. Thường thì khoảng rằm tháng Chạp là thương lái sẽ đi lùng mua hoa tết. “Năm nay, giá vật tư tăng nên giá hoa chỗ tôi nhỉnh hơn năm rồi khoảng 5%, nếu bán hết thì sẽ lời khoảng 200 – 300 triệu đồng”, anh Thuận nói.

 Nhà vườn miền Tây ngại làm trái cây tạo hình vì sợ ế - ảnh 5
Người làm công cho anh Thuận đang chăm sóc hoa vạn thọ  XUÂN PHÚC

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPT-NT Vĩnh Long) cho biết, để phục vụ thị trường tết năm nay, nông dân trong tỉnh đã xuống giống hơn 180 ha hoa. “Tuy nhiên, theo các đại lý bán hạt giống và phân bón, năm nay sức tiêu thụ giảm nhiều so với năm trước, chỉ bằng 60 – 70%”, ông Phúc nói thêm.

Quýt hồng vào chậu dự báo đắt hàng

Ông Hà Thanh Hồng (70 tuổi), nhà vườn chuyên trồng quýt hồng ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung, Đồng Tháp chỉ sản xuất 250 chậu, giảm 50 chậu so với năm trước. Đến thời điểm này, ông đã bán được 40 chậu với giá từ 1 – 4 triệu đồng/chậu, giảm khoảng 50% so với năm rồi. Hầu hết các nhà vườn ở đều giảm một nửa số lượng so với năm 2021

 

XUÂN PHÚC – DUY TÂN

TNO