27/12/2024

Nông sản chờ thị trường nội địa

Nông sản chờ thị trường nội địa

Nhiều nhà bán lẻ và chế biến thực phẩm trong nước cam kết tiêu thụ một phần trong số hàng trăm ngàn tấn trái cây tươi khó tiêu thụ do phía Trung Quốc hạn chế giao dịch ở các cửa khẩu.

 

Nông sản chờ thị trường nội địa - Ảnh 1.

Thanh long xuất đi Trung Quốc phải quay đầu về bán ở Hà Nội với giá 70.000 đồng/thùng – Ảnh: NAM TRẦN

Về lâu dài, người dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh đa dạng thị trường để tránh trường hợp năm nào cũng xảy ra ách tắc rồi kêu gọi giải cứu. Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kết nối nông sản 970, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 31-12-2021.

Nhà bán lẻ vào cuộc giải cứu nông sản

Phát biểu tại diễn đàn, nhiều nhà bán lẻ lớn cho biết sẵn sàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Thái Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG, cho biết sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp nông sản gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRGMart. Hệ thống này sẽ chuẩn bị các kho lạnh tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến Tết Nguyên đán, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.

Theo bà Nguyễn Phương Hồng, giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến lên tới 100.000 tấn/năm, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm, doanh nghiệp này sẽ tham gia hỗ trợ tiêu thụ chanh dây và thanh long. “Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc, có thể chuyển về nhà máy ở Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về nhà máy tại Long An”, bà Hồng cho biết.

Ông Đinh Cao Khuê, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cũng cho biết hiện công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. “Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh dây hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ”, ông Khuê cho hay.

Trong khi đó, theo ông Paul Lê, đại diện Central Retail, hệ thống này sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng mùa Tết của người dân trong nước. “Ngoài ra, Central Retail có thể hỗ trợ các nông sản đạt chuẩn của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường phương Tây như Pháp, Đức, Mỹ…”, ông Paul Lê nói.

Cần thay đổi tư duy sản xuất và xuất khẩu

Cũng tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho rằng sự tham gia của các nhà bán lẻ và sản xuất trong nước cho thấy tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn.

“Tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy. Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích” – ông Nam nói, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, mít, dưa hấu… không tiếp tục đưa hàng lên các cửa khẩu.

“Trước mắt, các doanh nghiệp chế biến sẽ hỗ trợ tiêu thụ thanh long từ các cửa khẩu đổ về. Nếu tình hình căng hơn, trong tuần tới Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ bàn riêng về thanh long, mời các doanh nghiệp chế biến để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho thanh long của Bình Thuận, Long An và Tiền Giang…” – ông Nam nói thêm và cho biết Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để sớm tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản nói chung, thanh long nói riêng.

Ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến & phát triển thị trường nông sản (Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết nhiều nông sản đang vào vụ, nhu cầu tiêu thụ lớn. Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

Khẳng định Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng khi giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này vẫn đạt khoảng 1,7 tỉ USD trong năm 2021, nhưng ông Hòa cũng khuyến cáo “cần tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu”.

Từ 1-1-2022, Trung Quốc áp dụng lệnh 248 và lệnh 249 nhằm quản chặt kinh tế biên mậu, thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. “Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý nâng cao quy trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo có thể tham gia các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc”, ông Hòa đề xuất.

Hàng trăm ngàn tấn trái cây khó tiêu thụ

Trao đổi tại diễn đàn, bà Đinh Thị Thu, phó giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lạng Sơn, cảnh báo việc xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới, do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu hàng container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, 14 ngày trước và 14 ngày sau Tết. “Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần có phương án đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ nội địa”, bà Thu đề nghị.

Theo ông Phan Văn Tuấn, phó giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận, chưa kể 400 – 500 xe thanh long bị ùn ứ cả tháng nay chưa tiêu thụ được, từ nay đến tháng 2-2022, Bình Thuận dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 120.000 tấn. Trong khi đó, chỉ có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn.

“Nếu đưa thanh long vào chế biến, các doanh nghiệp không làm được, còn trữ lượng kho lạnh chưa bằng số lẻ của sản lượng thu hoạch”, ông Tuấn lo lắng.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, phó giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết trong ngày 27 và 28-12, các thương lái đã kéo đến yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua của người dân, do các kho thanh long trên địa bàn tạm dừng thu nhận hàng ngay sau khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long.

Cũng theo bà Khanh, Long An có khoảng 10.000ha thanh long với hơn 20.000 tấn. Trong khi đó, địa phương chỉ có khoảng 100 kho đông lạnh với công suất khoảng 5.400 tấn, nhưng lượng hàng tồn gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn. “Đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ doanh nghiệp bảo quản lạnh và hỗ trợ người dân. Cần có sự kết nối với những tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa”, bà Khanh đề xuất.

Làm sao để nông sản không ùn tắc?Làm sao để nông sản không ùn tắc?

TTO – Câu chuyện tắc nghẽn cửa khẩu phía Bắc là sự kiện để thúc đẩy VN thực hiện mạnh và hiệu quả hơn chiến lược đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm dần phụ thuộc vào một số thị trường…

TRẦN MẠNH – CHÍ TUỆ
TTO