Đừng để an toàn thực phẩm đến hẹn lại lo
Đừng để an toàn thực phẩm đến hẹn lại lo
Không phải ngẫu nhiên mà cứ đến dịp tết, nỗi lo về an toàn thực phẩm lại rộ lên cùng những vụ việc phát hiện các cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 31.12.2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Đà Nẵng phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh chả trên địa bàn Q.Thanh Khê. Cả 2 cơ sở này đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không có hồ sơ tự công bố sản phẩm, khu sản xuất chả rất bẩn, không đảm bảo điều kiện vệ sinh… Trước đó, trong ngày 22.12.2021, Đội cảnh sát kinh tế Công an Q.Thanh Khê cũng phát hiện 4 lò sản xuất chả không đảm bảo ATTP: khu sản xuất có côn trùng; sử dụng phụ gia không nhãn mác để chế biến chả…
Bệnh từ miệng
Lo lắng với những thông tin trên, một bạn đọc (BĐ) từ Đà Nẵng lên tiếng: “Ông bà mình nói bệnh từ miệng ý là chỉ những món ăn không đảm bảo vệ sinh như vậy. Cũng đỡ lo hơn khi TP mình quyết liệt trong vấn đề ATTP, nhất là thời điểm cận tết”. Nhìn hình ảnh từ “khu sản xuất chả”, BĐ Trung Quang cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến các sản phẩm ra lò: “Hình ảnh rất rõ ràng, khu vực làm thực phẩm quá dơ bẩn. Tôi nghĩ nên công khai luôn tên cơ sở này để người dân biết đường mà né ra”. BĐ Chau A cũng nêu: “Thú thật nhìn quang cảnh nơi sản xuất “chả sạch” thiệt hết muốn ăn. Không biết nếu đồng loạt kiểm tra 100% các cơ sở sản xuất thực phẩm trên cả nước thì tỷ lệ các cơ sở không đảm bảo vệ sinh sẽ là bao nhiêu?”.
Khâu sản xuất chả diễn ra ngay trên sàn nhà không đảm bảo vệ sinh tại một cơ sở trên đường Lê Trọng Tấn (P.An Khê, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) VĂN TIẾN |
Nhiều BĐ nhận xét vốn dĩ tiêu chuẩn “sạch” đã là lựa chọn tự nhiên của đa số các gia đình. Thế mới có rau sạch, trái cây sạch, thịt sạch, chả sạch… Và sản phẩm, thực phẩm nào cũng muốn gắn với chữ “sạch” như một bảo chứng về chất lượng. “Người bán buôn nào cũng nói hàng hóa của họ là sạch, chứ có ai nhận là rau không sạch, thịt, cá bẩn đâu. Nhưng ai sẽ giúp người tiêu dùng xác định, kiểm chứng nguồn gốc xuất xứ, chất lượng?”, BĐ Tố Mỹ đặt câu hỏi.
Tán thành, BĐ Thanh Võ nêu: “Cái khó là làm sao người tiêu dùng biết được đâu là sản phẩm, thực phẩm sạch, an toàn? Vì ngày nay cũng không ít người kinh doanh gắn mác “nhà làm” để thuyết phục người khác là thực phẩm sạch, an toàn… mà chẳng biết làm sao để kiểm tra cả”.
Tăng cường giám sát, xử lý
Trên thực tế, Ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng đã triển khai một dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm mục tiêu tạo ra thói quen tiêu dùng chủ động để người dân kiểm soát nguồn gốc thực phẩm có thể từ trang trại nuôi trồng đến bàn ăn. Đây là hợp phần quan trọng trong đề án xây dựng TP thông minh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến 2030 tại TP.Đà Nẵng.
Phát biểu trên Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng, cho biết hiện nay người dân chưa thực sự giám sát được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong khi sự minh bạch thông tin là “xương sống”, “thước đo” chất lượng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. “Khi khâu giám sát trở thành nhu cầu bức thiết thì bắt buộc nhà sản xuất phải công khai minh bạch, nếu không truy xuất thì người dân sẽ chọn sản phẩm khác yên tâm hơn”, ông Hải nói.
Đề cập đến dự án tạo thói quen và điều kiện “truy xuất nguồn gốc thực phẩm” mà TP.Đà Nẵng đang theo đuổi, BĐ Minh Nghĩa nhận xét đúng là đã đến lúc người dân cần có thêm quyền tham gia giám sát nguồn gốc thực phẩm: “Nhưng chỉ giám sát thôi thì chưa đủ, có lẽ người tiêu dùng cần có thêm các kênh mạnh mẽ hơn để sử dụng quyền lựa chọn, hay tẩy chay sản phẩm, hơn là chỉ phản ứng giận dữ trên mạng xã hội… rồi thôi, như hiện tại!”. Một trong những cách như vậy, BĐ Vũ Lê hiến kế: “Nên công khai thường xuyên tên của các cơ sở và tên các chủ cơ sở vi phạm để người dân không sử dụng sản phẩm của các cơ sở này nữa”.
Đa số BĐ cho rằng việc kiểm tra, giám sát, xử lý… để đảm bảo ATTP là công tác phải diễn ra thường xuyên, chứ không thể “đến hẹn lại lo”. Ngoài ra, BĐ còn đề nghị cần đưa vào hồ sơ quản lý, và hồ sơ này phải liên thông rộng rãi, để tránh cảnh “bị phạt ở quận này lại dễ dàng đổi tên cơ sở, chạy sang quận khác”.
Người dân chưa thực sự giám sát được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm một phần là vì cơ chế để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm minh bạch chất lượng chưa được mạnh mẽ.
(Nguyễn Tiêu)
Nên có một trang web để nêu tên và cập nhật những cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Một khi đã bị đưa vào danh sách phạt là sẽ bị người tiêu dùng cả nước né xa.
(Thinhan)
Tăng thêm khung phạt để ai bị phạt một lần là sợ tới già, không dám tái phạm.
(Nguyên Lộc)
KIM LAN
TNO