Dự báo chiêu trò của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2022
Dự báo chiêu trò của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2022
Trả lời Thanh Niên, bên cạnh việc đánh giá lại tình hình ở Biển Đông trong năm qua, các chuyên gia quốc tế cũng dự báo hành động của Trung Quốc ở vùng biển này trong năm 2022.
Cụ thể, Thanh Niên đã phỏng vấn TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) và ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử).
Tàu hải cảnh của Trung Quốc có thể sẽ tăng cường quấy rối ở Biển Đông trong năm 2022 NGƯ DÂN CUNG CẤP |
Hành động tinh vi
Ông đánh giá thế nào về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2021?
TS Swee Lean Collin Koh: Trung Quốc một mặt thể hiện “thiện ý” ngoại giao, nhưng cũng đồng thời sử dụng các biện pháp cưỡng chế hàng hải nhằm kiểm soát Biển Đông, và tự dựng lên những quy định để “tuân thủ luật pháp” mà thực chất chỉ là chiêu trò tinh vi để tìm cách kiểm soát vùng biển này. Chẳng hạn Trung Quốc đã ban hành luật hải cảnh mới và luật an toàn hàng hải, hay gần đây nhất là luật xử lý các hoạt động “đánh bắt bất hợp pháp”. Các luật vừa nêu thường được Trung Quốc quy định bằng các từ ngữ mơ hồ để có thể tùy nghi viện dẫn nhằm đạt được yêu sách ở Biển Đông.
Ông Carl O.Schuster: Năm qua, Bắc Kinh từng có lúc thận trọng hơn về cách gây áp lực với Philippines sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng nếu tàu công vụ Philippines bị tấn công thì Washington sẽ viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung với Manila để phản ứng. Nhưng thực tế, Bắc Kinh tiếp tục tăng cường hoạt động ở Biển Đông, sử dụng lực lượng dân binh biển, hải cảnh để đe dọa ngư dân nhiều nước. Điển hình, các tàu cá và hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng Natuna ở Biển Đông. Trung Quốc cũng triển khai chiến đấu cơ đến các thực thể mà quân đội nước này đồn trú ở Biển Đông.
Tiếp tục tăng cường gây sức ép
Ông dự báo thế nào về các động thái tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2022?
TS Swee Lean Collin Koh: Năm sau, khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN, thì nhiều khả năng là Trung Quốc thúc đẩy việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Phnom Penh đang rất “hữu hảo”. Nhưng điều đó có thể các bên liên quan cũng cần cân nhắc, thận trọng nếu muốn việc đạt được COC có giá trị thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó, song hành cùng việc thúc đẩy đàm phán COC, Bắc Kinh sẽ vẫn tăng cường sử dụng các lực lượng và gây sức ép với các bên ở Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Ông Carl O.Schuster: Bắc Kinh sẽ tiếp tục đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông, như nhằm vào vùng biển Natuna, tìm cách tái thiết lực lượng phong tỏa đồn trú của Philippines tại Bãi Cỏ Mây bằng cách sử dụng các tàu dân binh chứ không phải hải cảnh nhằm xem phản ứng của Washington và Manila. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tìm cách thực thi luật an toàn hàng hải mới để tăng cường quyền kiểm soát phi pháp tàu hàng của các nước ở Biển Đông.
Tiếp tục theo đuổi dã tâm
Những động thái của Trung Quốc đã, đang và sẽ làm trong năm 2021 và 2022 đều nhằm đạt được những gì Bắc Kinh dự định từ năm 2009. Đó là biến không gian địa lý nằm trong “đường lưỡi bò” mà họ tự đặt ra ở Biển Đông trở thành không gian thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trừ khi các bên đẩy lùi hiệu quả hành động của Trung Quốc, nếu không thì Bắc Kinh sẽ độc chiếm quyền kiểm soát ở Biển Đông. Như thế, COC có thành hiện thực thì cũng không đủ sức ngăn cản Bắc Kinh theo đuổi các tham vọng với “đường lưỡi bò”. Nên các nước Đông Nam Á đừng quá kỳ vọng vào COC. Bởi Trung Quốc đã sẵn sàng từ bỏ các cam kết mà nước này từng ký kết theo luật pháp quốc tế trên biển, thì khó có chuyện Bắc Kinh tuân thủ các cam kết ở COC.
TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ)
Với luật an toàn hàng hải mới, Trung Quốc có thể viện dẫn quy định yêu cầu người điều khiển các loại tàu thuyền như tàu có thể lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở hóa chất, khí hóa lỏng… đều phải khai báo khi hoạt động ở “lãnh hải” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Nếu các nước có tàu bị yêu cầu khai báo nhưng không phản đối hành động của Trung Quốc, thì đó là cơ hội để Bắc Kinh hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ thách thức các tàu chiến của Mỹ và các nước khác ở Biển Đông thông qua các cuộc tập trận, hoạt động quân sự, bắn thử tên lửa đạn đạo…
Vậy triển vọng cho COC giữa Trung Quốc với ASEAN trong năm 2022 sẽ như thế nào ?
TS Swee Lean Collin Koh: Như đã đề cập ở trên, chưa hẳn có nhiều bên sẽ “nhiệt tình” với cách Trung Quốc thúc đẩy COC. Nỗ lực đàm phán là cần thiết, nhưng một vấn đề cần đạt được là tiến đến một COC khiến tất cả các bên đều hài lòng. Trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19, đã có một số vấn đề cố hữu trong dự thảo văn bản đàm phán COC được đề nghị phải loại bỏ. Và nay, tình hình đại dịch có thể khiến COC bị ảnh hưởng. Đầu tiên là Covid-19 chuyển sự chú ý của các chính phủ trong khu vực chủ yếu sang phục hồi kinh tế và vấn đề Biển Đông có thể bị ít quan tâm hơn. Thứ hai, một số bên ở Đông Nam Á có khả năng nhận thấy chịu áp lực lớn hơn từ Trung Quốc do sự phụ thuộc kinh tế, mà điều này trở nên quan trọng đối với sự phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Ông Carl O.Schuster: Theo tôi, COC sẽ chưa được ký kết trong năm 2022. Trung Quốc vẫn luôn tìm cách vận dụng COC để hạn chế hoạt động của các nước khác ở Biển Đông.
Hai đạo luật phi pháp
Năm 2021, Trung Quốc đã đưa vào hiệu lực đối với luật hải cảnh mới và luật an toàn hàng hải.
Trong đó, điểm nổi bật của luật hải cảnh mới là lực lượng này có trách nhiệm xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Vấn đề là khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có hợp pháp hay không!? Nên giới quan sát quốc tế lo ngại Bắc Kinh có thể viện dẫn quy định trên để dùng vũ lực áp đặt tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Ngoài ra, luật an toàn hàng hải quy định người điều khiển các loại tàu thuyền như tàu có thể lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở hóa chất, khí hóa lỏng… đều phải khai báo khi hoạt động ở “lãnh hải” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Theo một số chuyên gia, luật an toàn hàng hải của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế, đồng thời là chiêu trò để tự trao quyền kiểm soát Biển Đông.
NGÔ MINH TRÍ
TNO