23/01/2025

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng

Nhân Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27-12, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng và nhân loại nên chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các đại dịch tiếp theo.

 

 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres – Ảnh: REUTERS

“COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt. Khi đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe này, chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Nhân Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, chúng ta hãy tập trung, chú ý và đầu tư cho vấn đề này”, ông Guterres nói.

Theo ông Guterres, COVID-19 đã phơi bày nhiều lỗ hổng y tế và nhân loại cần chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.

“COVID-19 đã chứng minh một căn bệnh truyền nhiễm có thể hoành hành khắp thế giới, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực sụp đổ và thay đổi cuộc sống hằng ngày nhanh đến thế nào. Nó cũng cho thấy chúng ta chưa rút được bài học sau những tình huống y tế khẩn cấp như SARS, cúm gia cầm, Zika, Ebola và những bệnh khác”, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết.

Ông Guterres khẳng định COVID-19 là một lời nhắc nhở rằng thế giới đã không chuẩn bị đủ để ngăn các đợt bùng dịch địa phương lan qua biên giới và gây ra đại dịch toàn cầu.

“Các bệnh truyền nhiễm vẫn là một mối đe dọa rõ ràng với mọi quốc gia. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch kế tiếp trong khi vẫn phản ứng với cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại”, ông Guterres nói thêm.

Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin COVID-19 công bằng cho mọi người.

Trong cuộc họp báo tuần trước, theo tờ Indian Express, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã cảnh báo các chương trình tiêm tăng cường có thể kéo dài đại dịch và gia tăng sự bất bình đẳng.

Cuối năm 2020, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết thành lập “Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh” vào ngày 27-12 do chính Việt Nam chủ trì đề xuất, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của thế giới với tầm quan trọng của việc phòng ngừa và sẵn sàng hợp tác chống lại dịch bệnh.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5,4 triệu người trên thế giới.

ANH THƯ
TTO