23/01/2025

Người trồng hoa lo ‘2 không’

Người trồng hoa lo ‘2 không’

Nông dân cũng lo lắng hơn khi người trồng các loại hoa chưng Tết quen thuộc như cúc, hoa lan, hoa mai… nói nhiều đầu mối hiện vẫn im hơi lặng tiếng.

 

Người trồng hoa lo 2 không - Ảnh 1.

Sau nhiều tháng trồng, nông dân trồng hoa cúc ở quận 12, TP.HCM vẫn âu lo với sức mua dịp Tết – Ảnh: NG.TRÍ

Chưa thấy thương lái đâu…

Đại diện vườn hoa Ngọc Thắng (quận 12, TP.HCM) cho biết lượng hoa tại vườn khoảng 10.000 chậu, chỉ bằng phân nửa năm ngoái, chủ yếu vẫn là hoa cúc, còn lại hướng dương, mào gà năm nay trồng khá hạn chế. Tuy nguồn cung giảm nhưng sức mua vẫn đang khá hên xui.

“Mọi năm thời điểm này các mối lái thu mua đã liên hệ hỏi thăm, thậm chí đặt cọc trước nhưng năm nay vẫn chưa thấy đâu. Nhiều người mua cho biết tầm 23, 24 tháng chạp mới vào xem hoa và tùy theo nhu cầu để mua, chứ không dám bao tiêu trước” – vị này nói.

Tương tự, với hơn 8.000 chậu hoa các loại trồng để bán Tết, trong đó hoa cúc chiếm khoảng 5.000 chậu, bà Trịnh Thị Kim Lan (phường Thới An, quận 12) cho biết hoa cúc được trồng nhiều hơn do dễ tiêu thụ hơn so với hướng dương, mào gà…

Không chỉ lo lắng về sức mua, bà Lan cho biết chi phí tăng 20 – 30% so với năm ngoái nên nhiều nông dân ngại đầu tư.

Tuy vậy, người trồng hoa vẫn nghe ngóng thị trường chứ chưa dám tăng giá. Nếu vắng khách thì chấp nhận bán giá thấp hoặc tương đương như năm ngoái với cúc từ 75.000 – 85.000 đồng/chậu, mào gà và hướng dương 45.000 đồng/chậu, dừa cạn 25.000 – 30.000 đồng/chậu…

Theo ông Ngô Minh Quốc – vựa hoa Minh Quốc (quận 10), năm nay sức mua rất khó dự đoán nên ông phải nghe ngóng thị trường mới quyết định lượng nhập.

“Sức mua chỉ tăng từ 16 đến 17 tháng chạp trở đi khi các đơn hàng đã được chốt”. Các nhà vườn cũng đang nghe ngóng về kế hoạch tổ chức các chợ hoa để tính tiếp.

Lan dendro và mokara giảm mạnh

Ông Phạm Anh Dũng – chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi (TP.HCM) – cho biết nguồn cung hoa lan hồ điệp của Lâm Đồng dịp Tết này không giảm nhiều, nhưng lan dendro và mokara tại TP.HCM dự kiến giảm mạnh.

Nguyên nhân, nhiều nhà vườn lo ngại dịch bệnh nên hạn chế chăm sóc khiến hoa kém chất lượng, riêng lượng giống cấy mô lan dendro nhập từ Thái Lan về gặp khó khăn nên nguồn cung có thể giảm 30 – 40% so với năm ngoái.

Tuy vậy, theo ông Dũng, do sức mua yếu nên giá bán hoa lan khả năng không tăng, thậm chí có thể giảm 10 – 20% so với Tết năm ngoái như lan hồ điệp bán lẻ từ khoảng 200.000 đồng/cành, mokara 100.000 – 150.000 đồng/cành, dendro 25.000 – 30.000 đồng/cây.

“Nhu cầu đặt mua hoa Tết của các mối lái hiện thấp hơn 30 – 40% so với các năm, nhiều mối ở các tỉnh vẫn chưa liên hệ gì. Riêng thị trường bán lẻ hoa lan tại chỗ khả năng gặp khó do lượng khách hàng là các cửa hàng, điểm kinh doanh năm nay đóng cửa nhiều” – ông Dũng nhận định.

Ông Phạm Văn Vương, chủ vườn Lan Rừng Thủ Đức (TP Thủ Đức), cho biết sức mua có khả năng yếu hơn năm ngoái nhưng nguồn hàng của ông đáp ứng dịp Tết này vẫn ổn định ở mức khoảng 7.000 chậu lan rừng các loại với các chủng loại phổ biến như ngọc điểm, kiều tím, phi điệp…

Giá bán có khả năng giảm nhẹ so với dự tính với mức phổ biến từ 300.000 – 800.000 đồng/chậu, cá biệt vẫn có những chậu lên đến hàng chục triệu đồng.

Âu lo là cảm giác chung của nông dân trồng hoa vào lúc này với thông tin “không đường hoa, không chợ hoa” hoặc “tổ chức hạn chế”.

Mong chính quyền phối hợp nhịp nhàng để giúp nông dân

Ông Nguyễn Văn Mười Em – chủ vườn hoa tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre – cho biết tới nay ông vẫn chưa quyết định năm nay có lên TP buôn bán, trưng bày hoa hay không.

Đợt này ông trồng một vườn cúc mâm xôi, chăm thêm một số gốc mai, cây kiểng nhưng chưa thấy đơn vị hội hoa nào liên hệ, mời gọi đến trưng bày.

“Chưa kể tui lo lên TP bán đợt này về bị cách ly rồi mất luôn cái Tết, mong sao chính quyền các tỉnh phối hợp để người dân chúng tôi buôn bán thuận lợi” – ông Mười Em trải lòng.

L.PHAN

N.TRÍ
TTO