Làm sao để nông sản không ùn tắc?
Làm sao để nông sản không ùn tắc?
Câu chuyện tắc nghẽn cửa khẩu phía Bắc là sự kiện để thúc đẩy VN thực hiện mạnh và hiệu quả hơn chiến lược đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm dần phụ thuộc vào một số thị trường…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS PHẠM TẤT THẮNG – chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) – chia sẻ quan điểm như trên: Tình trạng tắc nghẽn tại cửa khẩu đã xảy ra liên tục từ nhiều năm nay mặc dù giữa hai nước đã làm việc và trao đổi nhiều lần ở các cấp độ khác nhau. Năm nay thực tế diễn ra nghiêm trọng hơn khi nước bạn kiểm soát chặt công tác phòng chống dịch.
Năm nào cũng có, chỉ nguyên nhân là khác
* Hàng hóa xuất nhập khẩu sang Trung Quốc năm nào cũng chịu cảnh tắc nghẽn thông quan. Theo ông, nguyên nhân sâu xa vì sao?
– Tình trạng tạm thời đóng cửa biên giới ở những thời điểm khác nhau diễn ra trong nhiều năm nay xuất phát từ nhiều lý do mang tính thời điểm.
Lượng hàng hóa giao thương xuất nhập khẩu của ta với Trung Quốc rất nhiều, kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn duy trì ở mức cao. Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc và ở chiều ngược lại ta lại nhập khẩu hàng hóa nguyên phụ liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp.
Vì vậy, trong những thời điểm nhất định, bạn có thể đưa ra các lý do để kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Có những lý do không đơn thuần chỉ là vấn đề thương mại, dẫn tới tác động rất lớn tới hoạt động kinh tế của chúng ta.
Lần này có thể thấy Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nhận thấy vấn đề này từ sớm, có chỉ đạo để phối hợp với phía Trung Quốc giải quyết. Nhưng với lý do phòng chống dịch COVID-19 thì nhiều khả năng tình hình có thể còn kéo dài.
* Việc bị phụ thuộc vào Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực và ngành hàng quan trọng, theo ông, đặt ra vấn đề gì cho nền kinh tế VN?
– Tôi cho rằng muốn giải quyết vấn đề thông thương cửa khẩu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc không chỉ là trao đổi liên quan đến thông thương ở cửa khẩu, mà yếu tố sâu xa đó là cần nhìn nhận thẳng vào nội tại nền kinh tế, là cách tổ chức sản xuất và liên kết sản phẩm của chúng ta.
Chúng ta đã tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đã hội nhập kinh tế quốc tế với bên ngoài tốt rồi nhưng vấn đề thay đổi cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm vẫn còn hạn chế.
Chúng ta hiện đang xuất khẩu rất nhiều nông sản vào thị trường Trung Quốc, sản xuất theo mùa vụ, cứ đến vụ là đưa hàng lên cửa khẩu. Chúng ta vẫn làm như vậy nhưng việc thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và sản phẩm thì chưa theo kịp yêu cầu.
VN cần phải tạo nên chuỗi sản xuất mà trong đó doanh nghiệp lớn là hạt nhân lôi kéo được sự tham gia của hợp tác xã địa phương, nông dân trong chuỗi sản xuất quy mô lớn. Chuỗi sản xuất ấy phải tuân thủ quy định về vùng trồng, mã số mã vạch, các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm… thì mới tránh được rủi ro.
Chúng ta cũng phải suy nghĩ để giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường, trên cơ sở phải tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm các thị trường khác. Trong 2 năm qua, nông sản của ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong tìm kiếm nhiều thị trường mới, đặc biệt khai thác tốt lợi thế các FTA thế hệ mới đã ký kết, nâng cao tỉ trọng hàng xuất khẩu vào các thị trường này. Ví dụ vải thiều, thanh long, gạo… ta đã xuất khẩu được sang những thị trường khó tính hơn. Đó là công việc tất yếu phải làm, phải đa dạng hóa thị trường.
Nhìn rộng hơn, trong nội bộ nền kinh tế, ta phải thay đổi cơ cấu mặt hàng, thị trường, cơ cấu sản xuất để ta đi theo hướng phát triển bền vững, có như vậy ta mới dần giảm phụ thuộc. Đặc biệt với sản phẩm công nghiệp mà VN đang có thế mạnh, cần tăng dần tỉ lệ nội địa hóa, chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giảm dần phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đây là bài toán, thách thức lớn đặt ra cho nền kinh tế và các ngành sản xuất của VN.
Tận dụng tốt hơn các hiệp định với Trung Quốc
* Một số ý kiến khuyến nghị cần có đàm phán ở cấp cao hơn để tháo gỡ tình trạng ùn ứ cửa khẩu một cách căn cơ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
– Lãnh đạo cấp cao nhất của hai quốc gia đã duy trì mối quan hệ tốt. Trong khi đó, vấn đề diễn ra lại nằm ở địa phương, qua các cửa khẩu giao thương giữa ta với phía bạn. Hiện nay ta xuất khẩu nông sản chủ yếu sang thị trường Quảng Tây và Vân Nam, là hai địa phương vẫn có nhu cầu lớn về hàng hóa với chúng ta, nên việc trao đổi và đàm phán ở cấp bộ ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa.
Cũng có thể tính đến đàm phán cấp cao, song trước hết vai trò đàm phán, trao đổi thương mại giữa cấp địa phương, bộ ngành là rất quan trọng.
Thêm nữa, chúng ta đã tham gia, đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Hiệp định này, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, sẽ tạo ra không gian kết nối sản xuất, thương mại trong toàn ASEAN và các đối tác. Do đó, cần phải tận dụng hiệu quả hơn các quy định, ưu đãi đã đàm phán, ký kết ở hiệp định này để khai thác tối đa cho quan hệ thương mại với Trung Quốc và các nước khác, trong đó có vấn đề thương mại biên giới.
TS Võ Mai (phó chủ tịch trung ương Hội Làm vườn VN): Giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Những ngày qua, hình ảnh hàng ngàn xe tải chở nông sản VN ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, nhiều nông sản hư hỏng phải đổ bỏ rất đau lòng. Cần cách làm khác chủ động hơn, thay vì cứ bị động chịu trận mãi.
Đầu tiên là nâng cao chất lượng. Đừng quan niệm sản xuất theo kiểu hàng này bán cho Trung Quốc, hàng kia bán cho châu Âu mà phải có một mức sàn về chất lượng nông sản Việt để khi Trung Quốc không mua hàng thì chúng ta có thể bán cho nước khác ngay chứ không phải thiết lập lại mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng.
Thị trường Trung Quốc lớn, khó mà không phụ thuộc nhưng nhu cầu về nông sản thế giới là rất lớn và VN đã trở thành nơi cung cấp nhiều loại nông sản có lợi thế cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp tập trung vào chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, đạt các tiêu chuẩn và đẩy mạnh quảng bá thì sẽ tăng được thị phần tại các thị trường khó tính, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trần Mạnh