23/01/2025

Có nên đổ tiền vào vũ trụ ảo?

Có nên đổ tiền vào vũ trụ ảo?

Internet đang tiến nhanh vũ bão vào thời kỳ thứ 3, đó là vũ trụ ảo metaverse. Ngày càng có nhiều người muốn tìm một tấm vé tàu sớm để không bỏ lỡ những vận hội do công nghệ mới mang lại.

 

Có nên đổ tiền vào vũ trụ ảo? - Ảnh 1.

Đất ảo trong trò chơi metaverse The Sandbox, xây dựng trên blockchain Ethereum – Ảnh: Insider

Anh James Zhou, 27 tuổi, cư dân sống ở thành phố Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), nhận thấy giá bất động sản trong thế giới thật đã quá đắt. Là một người trẻ thích ứng nhanh với công nghệ, anh quyết định thâm nhập vào thế giới ảo vì tin rằng đây chính là tương lai.

Bản chất nó là cờ bạc. Một số người sẽ may mắn và làm giàu, nhiều người sẽ mất khoản đầu tư, và vô số người khác sẽ bị lừa.

Tiến sĩ DAVE KARPF (từ Đại học George Washington, cảnh báo về cơn sốt đầu tư vào vũ trụ ảo hiện nay)

Cuộc đua vào tương lai

Đài ABC của Úc tường thuật, tháng 3-2021 anh Zhou bỏ ra số tiền ảo trị giá 15.390 USD để mua 11 mảnh đất trong thế giới ảo của một công ty Mỹ. Vài tháng sau, anh lại mua thêm bất động sản ảo của Mỹ trị giá khoảng 14.344 USD. Với anh, đây là khoản đầu tư nghiêm túc.

Anh Zhou không phải cá biệt. Ngày càng có nhiều người, bao gồm cả nhà đầu tư truyền thống và người nổi tiếng, lao vào thế giới bất động sản ảo. Cơn sốt đang đẩy “giá đất” lên cao, một mẩu đất thậm chí được giao dịch với giá lên đến 3,3 triệu USD.

JJ Lin, ca sĩ nhạc pop nổi tiếng ở Trung Quốc và Đông Nam Á với hơn 1 triệu người theo dõi trên Twitter, cũng đầu tư 171.000 USD vào bất động sản ảo gần mảnh đất của anh Zhou trên cùng nền tảng.

Phải nói thêm rằng thị trường bất động sản số chỉ là một phần của vũ trụ ảo – tức thế giới ảo nơi người dùng có thể làm việc, giao lưu, mua sắm và chơi game thông qua các thiết bị thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR).

Hiện nay các công ty Mỹ đang thống lĩnh cuộc đua vũ trụ ảo. Hồi tháng 10, thị trường vô cùng phấn khích khi nghe tin Facebook đổi tên thành Meta – dấu hiệu cho thấy gã khổng lồ mạng xã hội này muốn tập trung cho các sản phẩm thực tế ảo.

Trong khi đó, ở bên kia đại dương, các đại gia công nghệ Trung Quốc đang đứng ngồi không yên. Dù vẫn kiểm duyệt gắt gao ngành công nghệ, tháng 11 vừa qua, Trung Quốc cho thành lập Ủy ban Công nghiệp thế giới ảo, trực thuộc Hiệp hội Truyền thông di động Trung Quốc do nhà nước quản lý – động thái cho thấy nước này không muốn đứng ngoài cuộc chơi.

“Trung Quốc xem vũ trụ ảo là thị trường công nghệ tiên tiến và có thể là chiến trường mới cho công nghệ Internet. Xét tình hình địa chính trị hiện tại, có khả năng sẽ tồn tại hai vũ trụ ảo: phiên bản Trung Quốc bên trong bức tường lửa vĩ đại và phiên bản phương Tây ở bên ngoài” – tiến sĩ Li Wei, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc thuộc ĐH Sydney, đánh giá.

Tiến sĩ Li Wei nói các khoản đầu tư trong thế giới ảo, ví dụ bất động sản, thu hút người trẻ vì họ không có nhiều tiền. “Tôi nghĩ đây là phản ứng của thế hệ trẻ, phản ánh sự thất vọng của họ về cách xã hội và nền kinh tế truyền thống vận hành” – bà nhận xét.

Phố Wall hào hứng

Theo báo Business Insider (Mỹ), vũ trụ ảo metaverse hiện đang là chủ đề thảo luận hào hứng ở phố Wall khi các nhà đầu tư đang gia nhập trào lưu mà nhiều người cho rằng đó là tương lai của Internet. Nếu gọi Internet thời kỳ đầu là 1.0, thời kỳ hiện nay là 2.0, thì vũ trụ ảo chính là tương lai 3.0.

Tập đoàn tài chính Jefferies dự báo vũ trụ ảo có thể trở thành yếu tố gây gián đoạn lớn nhất với cuộc sống mà con người từng chứng kiến. Trong khi đó, bà Cathie Wood, CEO Công ty quản lý tài sản Ark Invest, tin tưởng đây là cơ hội trị giá ngàn tỉ đôla.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nói vũ trụ ảo đang bị thổi phồng quá mức ở giai đoạn này, các công ty tha hồ gắn mác “vũ trụ ảo” cho bất cứ dự án cũ xì nào liên quan đến trò chơi hoặc thực tế ảo.

Nhìn ở một góc độ khác, bất cứ vũ trụ ảo nào nếu trở thành hiện thực thì sẽ vô cùng khó quản lý. Công nghệ đến một thời điểm nào đó sẽ chín muồi, nhưng làm sao để giữ an toàn cho người dùng, bảo vệ quyền tự do phát ngôn và chống nội dung xấu, ngăn chặn tội phạm… trong không gian ảo?

Gần đây đã có những bản tin ghi nhận phụ nữ bị quấy rối, sờ mó hoặc bị làm phiền trong các thế giới ảo khác nhau. Ông Ethan Zuckerman, giáo sư ĐH Massachusetts Amherst, đã từng xây dựng một thế giới ảo sơ khai hồi thập niên 1990 và ông thừa nhận rằng giữ an toàn cho nó luôn là thử thách.

“Quản lý cộng đồng và thực thi quy định trong vũ trụ ảo sẽ là hàng loạt những vấn đề nan giải mới” – ông nhận xét.

Ai muốn sống trong vũ trụ ảo?

Tuần trước, tỉ phú Elon Musk, CEO của Tesla, nói ông không thích chút nào ý tưởng luôn phải đeo thiết bị thực tế ảo trên đầu.

Nick Clegg, trưởng bộ phận truyền thông của Meta, thậm chí còn gọi thiết bị VR của công ty ông là “của dỏm” trong một cuộc phỏng vấn với báo Financial Times.

Những lời than phiền này đặt ra câu hỏi quan trọng để đánh giá tương lai của vũ trụ ảo: Liệu mọi người có thật sự muốn dành phần lớn thời gian trong thế giới ảo, nhất là khi phải mang những thiết bị phiền toái trên người?

PHÚC LONG