18/11/2024

Vụ đề THPT 2021 giống 90% đề ôn tập: Bất thường sự im lặng của Bộ GD-ĐT

Vụ đề THPT 2021 giống 90% đề ôn tập: Bất thường sự im lặng của Bộ GD-ĐT

Gần nửa năm có kết luận của tổ chuyên gia do chính Bộ GD-ĐT lập ra về những dấu hiệu bất thường khi so sánh giữa đề thi tốt nghiệp THPT môn sinh với đề ôn tập của một thầy giáo ở Hà Tĩnh, chỉ khi báo chí lên tiếng “lật lại”, Bộ GD-ĐT mới không thể tiếp tục im lặng.

 

 

Im lặng gần nửa năm

Dù nhiều báo phản ánh và đặt câu hỏi tới Bộ GD-ĐT nhưng chiều 23.12, Bộ GD-ĐT chỉ trả lời một tờ báo về nội dung liên quan đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bộ thừa nhận đã “ghi nhận yếu tố không bình thường” từ thời điểm tháng 7 khi các ý kiến lên tiếng về trùng hợp quá lớn giữa đề thi chính thức môn sinh với đề ôn tập của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Tháng 8, Bộ đã chủ động phối hợp cùng cơ quan công an thành lập tổ công tác liên ngành của Bộ GD-ĐT và Bộ Công an để xác minh làm rõ các yếu tố liên quan sự trùng lặp nói trên. “Hiện nay Bộ GD-ĐT đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết.

Nội dung trả lời trên của Bộ GD-ĐT khiến dư luận và cả những người trong cuộc bức xúc hơn về sự im lặng, chậm trễ rất khó hiểu của Bộ khi từ ngày 9.8 biên bản của tổ chuyên môn đã chỉ rõ những điểm bất thường không thể bỏ qua. Tuy nhiên từ đó đến nay, điều mà họ nhận được là sự im lặng và không có bất cứ động thái xử lý nào của Bộ GD-ĐT.

Vụ đề THPT 2021 giống 90% đề ôn tập: Bất thường sự im lặng của Bộ GD-ĐT - ảnh 1
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Sau kỳ thi này, nhiều ý kiến đặt vấn đề về nội dung đề thi môn sinh học có gần 90% giống đề ôn tập của một giáo viên  KHẢ HÒA

Dư luận có quyền nghi ngờ: Nếu các chuyên gia và đại biểu Quốc hội không lên tiếng, báo chí không vào cuộc thì Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục “im lặng” mãi mãi về sự việc này?

Thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hà Nội), người đầu tiên phát hiện và lên tiếng mạnh mẽ về sự trùng hợp không thể coi là ngẫu nhiên nói trên, cho biết: “Sau khi phát hiện vụ việc, ngày 12.7.2021, tôi đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, kèm theo đó là toàn bộ tài liệu liên quan. Ngày 9.11, tôi lại tiếp tục gửi thư đến Bộ trưởng với mong muốn Bộ GD-ĐT nhanh chóng điều tra và công bố vụ việc. Thực tế tôi đã nhận được email phản hồi từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từ ngày 16.11 với nội dung sự việc vẫn chưa đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm, trong khi đó biên bản thẩm định của tổ công tác liên ngành có từ ngày 9.8 chỉ ra rất nhiều điểm bất thường”.

Ông Hiền nhận định: “Chỉ đến khi biên bản xuất hiện trên phương tiện truyền thông thì Bộ mới thừa nhận việc này, đây là sự bất nhất trước dư luận và Bộ không hề giải thích tại sao lại để sự việc rơi vào im lặng trước báo giới. Bộ mất nửa năm để “đang xem xét””.

Cũng theo ông Hiền, phần trả lời mới nhất của Bộ mà một số báo đăng tải vẫn chưa có thông tin sai phạm thế nào, sai phạm đến đâu, liệu rằng có sự cố lọt, lộ đề thi hay không. “Tôi hy vọng thời gian tới đây, Bộ sẽ nhìn thẳng vào vấn đề, không né tránh. Dưới sự giám sát của nhân dân, của Quốc hội, tôi tin rằng Bộ sẽ có câu trả lời thỏa đáng, đem lại niềm tin cho giáo viên, học sinh cả nước”, ông Hiền nói.

Bộ sẽ điều chỉnh cách làm đề thi ?

Cũng trong phần trả lời một tờ báo về sự việc nói trên, Bộ GD-ĐT nêu chung chung: “Lãnh đạo Bộ đã và đang chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi để bảo đảm việc tổ chức thi thời gian tới được chặt chẽ nhất”. Câu hỏi đặt ra là thời gian vừa qua đã có khâu nào chưa chặt chẽ trong quy trình làm đề thi để dẫn tới Bộ đưa ra lời hứa này?

Đối sánh với quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành quy định về việc ra đề thi, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề không nằm ở việc thiếu quy định chặt chẽ mà nằm ở quá trình thực thi quy chế ấy có nghiêm túc hay không. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ VN, cũng cho rằng đề của kỳ thi mang tính quốc gia với quy trình chặt chẽ sẽ không bao giờ có chuyện trùng lặp nội dung với đề luyện thi của bất cứ giáo viên nào. Bởi hằng năm, giáo viên đóng góp các câu hỏi vào ngân hàng đề của

Bộ GD-ĐT, sau đó, tùy vào ma trận đề thi, các câu hỏi sẽ được xáo trộn để đảm bảo ra được các mã đề khác nhau. Do đó, trong trường hợp này chỉ có 2 khả năng xảy ra: hoặc đề thi môn sinh bị lộ; thứ hai là những thành viên trong tổ làm đề lấy luôn câu hỏi của giáo viên luyện thi cho vào đề.

Một chuyên gia có nhiều năm làm đề thi chỉ ra rằng, nếu làm theo đúng quy chế thì không xảy ra tình trạng bất thường như với đề thi môn sinh. Điều này dẫn tới nghi ngờ việc làm đề thi năm vừa qua có vấn đề từ quy trình, không tuân thủ quy chế. Có thể Bộ đã huy động số ít nhân lực làm đề, dẫn tới quyền lực tập trung vào số ít người; số người làm ngân hàng đề thi không đủ lớn cũng dẫn tới ngân hàng câu hỏi cũng không đủ lớn để tránh các yếu tố tiêu cực như có thể đoán hoặc lộ đề thi; từng câu hỏi từ ngân hàng đề không được tinh chỉnh như quy định của quy chế mà có thể đã “bê” nguyên câu hỏi vào làm đề thi dẫn tới sự giống nhau gần như tuyệt đối giữa đề ôn tập của một giáo viên với đề thi chính thức.

Theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn, có nguồn lực tham gia đủ lớn, tránh tập trung “quyền lực” vào một số ít người như hiện nay. “Nếu làm nghiêm túc quy định của quy chế thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình huống như vậy”, vị chuyên gia này nói.

Ở khía cạnh nội dung đề thi, giáo viên và chuyên gia cũng cho rằng cần thay đổi để không dẫn tới một số giáo viên luyện thi trở nên “nổi tiếng” vì đoán trúng đề, luyện tủ cho học sinh và các em cũng không phải quay cuồng với các lớp luyện thi này mới đạt điểm cao. Tiến sĩ Phạm Văn Lập, thành viên tổ chuyên gia của Bộ GD-ĐT tham gia xác minh sự việc, cho rằng các câu hỏi phân hóa cao trong đề thi nhưng thực chất là mang tính đánh đố đang khiến học sinh phải chạy theo các lớp ôn luyện, mẹo mực mới làm được bài thi.

 

TUỆ NGUYỄN

TNO