11/01/2025

Thế giới đón Giáng sinh giữa nỗi lo Omicron

Thế giới đón Giáng sinh giữa nỗi lo Omicron

Biến thể Omicron vẫn đang lây lan khắp thế giới và phủ bóng mùa Giáng sinh với nhiều động thái thận trọng từ các nước.

 

 

Hy vọng tích cực

Nhiều phát hiện mới về Covid-19 đã mang đến các thông tin tích cực trong dịp lễ Giáng sinh. Theo Reuters, phân tích dữ liệu sơ bộ Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) công bố ngày 23.12 cho thấy khả năng phải nhập viện của người nhiễm biến thể Omicron thấp hơn 50 – 70% so với người nhiễm biến thể Delta. Kết quả này tương tự kết luận của các nghiên cứu trước đó về độ nghiêm trọng của biến thể Omicron. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo đây chỉ mới là dữ liệu ban đầu vì số người nhập viện vẫn còn ít.

Thế giới đón Giáng sinh giữa nỗi lo Omicron - ảnh 1
Z

Công ty AstraZeneca ngày 23.12 cũng công bố kết quả nghiên cứu do Đại học Oxford thực hiện cho thấy liều nhắc lại của loại vắc xin hai bên hợp tác sản xuất có hiệu quả chống lại biến thể Omicron. Bên cạnh đó, lượng kháng thể chống Omicron của người tiêm 3 mũi vắc xin Oxford/AstraZeneca cũng cao hơn so với người có được kháng thể do lây nhiễm tự nhiên.

AFP đưa tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23.12 cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng vi rút Molnupiravir của Công ty Merck cho người trưởng thành có nguy cơ cao. Molnupiravir được dùng trong vòng 5 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng và giúp giảm nguy cơ trở nặng 30%.

Quyết định này giúp Mỹ có thêm lựa chọn trong việc điều trị Covid-19. Trước đó một ngày, FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Paxlovid của Pfizer cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên.

Nhưng cần thận trọng

Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt và có thể khiến hệ thống y tế quá tải nhanh hơn làn sóng Delta. Theo The Guardian, Anh ngày 23.12 ghi nhận 119.789 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất kể từ đầu đại dịch. Làn sóng lây nhiễm biến thể mới gây ra khiến 608.000 người được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 tại Anh từ ngày 18.12 phải đón Giáng sinh trong cảnh cách ly.

Số liệu The New York Times công bố ngày 23.12 cho thấy số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày của Mỹ là 168.000, cao hơn đỉnh dịch do Delta gây ra trong mùa hè. Mô hình dự báo của Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington đưa ra cho thấy Mỹ có thể ghi nhận đến 140 triệu ca mắc Covid-19 trong 2 tháng đầu năm 2022.

Tình hình hiện tại khiến Thị trưởng Bill de Blasio của New York ra lệnh giảm số người tham dự sự kiện đếm ngược đón năm mới tại quảng trường Thời đại từ 58.000 xuống còn 15.000 người.

Tại Đức và Ý, biến thể Omicron được dự đoán sẽ trở thành chủng chiếm ưu thế trong thời gian ngắn. Reuters ngày 24.12 đưa tin Đức đã báo cáo người đầu tiên tử vong sau khi nhiễm biến thể mới. Trong khi đó, Omicron đang lây lan nhanh khiến Ý cấm người dân tổ chức hoạt động đón năm mới và bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài. Hy Lạp cũng bắt buộc đeo khẩu trang trở lại và cấm tổ chức hoạt động mừng Giáng sinh.

Làn sóng lây nhiễm thứ 5 làm nước Pháp ngày 23.12 ghi nhận kỷ lục 91.608 ca bệnh mới với số người phải nhập viện hoặc vào phòng chăm sóc đặc biệt đang trên đà tăng. Ở Thái Lan, ổ dịch đầu tiên trong cộng đồng do Omicron gây ra đã được phát hiện ngày 24.12 ở đông bắc nước này với 21 ca bệnh mới.

Hàng loạt chuyến bay bị hủy vì Omicron

CNN ngày 24.12 đưa tin biến thể mới khiến 3 hãng hàng không Mỹ hủy một loạt chuyến bay ngay trước đêm Giáng sinh. Theo trang theo dõi chuyến bay FlightAware, Hãng United Airlines đã hủy hơn 150 chuyến bay vì số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt làm ảnh hưởng đến phi hành đoàn. Hãng hàng không Delta Air Lines cũng hủy hơn 100 chuyến bay trong đêm Giáng sinh vì nhiều lý do, trong đó có lo ngại về biến thể mới. Hãng hàng không Alaska Airlines thông báo đã hủy 17 chuyến bay và có thể sẽ bỏ thêm nhiều chuyến bay khác vào đêm Giáng sinh. Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa cho biết biến thể Omicron đã khiến họ phải hủy 33.000 chuyến bay vì số khách đặt chỗ giảm mạnh, theo AFP.

 

ĐÔNG A

TNO