Tăng lương tối thiểu vùng năm 2022: Doanh nghiệp kêu ‘khó’ nhưng ‘ủng hộ’
Tăng lương tối thiểu vùng năm 2022: Doanh nghiệp kêu ‘khó’ nhưng ‘ủng hộ’
Sau 2 năm liên tiếp không tăng lương tối thiểu vùng, cuộc sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động mong muốn sớm “khởi động lại” việc tăng lương để đảm bảo an sinh xã hội.
Lương tối thiểu vùng năm 2021 đã không tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian phục hồi, người lao động duy trì việc làm hoặc tham gia lại thị trường lao động. Tuy vậy, thị trường lao động năm 2022 dần phục hồi, câu hỏi về việc có nên tăng lương tối thiểu vùng “nóng” trở lại.
Doanh nghiệp kêu “khó khăn” nhưng vẫn “ủng hộ”
Là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ông Nguyễn Hữu Hoan, tổng giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà, chia sẻ: “Việc tăng lương tối thiểu vùng làm công ty vận tải khó khăn thêm”.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng cho rằng tăng lương năm 2022 là cần thiết để cải thiện đời sống người lao động do trước đó đã lùi tăng lương tối thiểu vùng.
“Tôi cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn trả nợ gốc, giảm lãi suất ngân hàng. Vì doanh nghiệp có khỏe mới hỗ trợ được cho người lao động. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn nên có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông vận tải cho đúng quy định, chấm dứt tình trạng xe dù, bến cóc. Từ đó, đời sống lái xe, phụ xe sẽ được cải thiện”, ông Hoan nói.
Anh Vũ Xuân Tiến, công nhân ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), cho hay nếu “tăng lương thì một đồng cũng quý”. Bởi lẽ, công nhân có nhiều chi phí như tiền nhà, tiền nước, ăn uống… nên lương tăng nghĩa là người lao động có thêm điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đình Quảng – phó ban chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho hay: Quý 1-2022 là thời điểm thích hợp để Hội đồng Tiền lương quốc gia nhóm họp, xem xét vấn đề tăng lương tối thiểu vùng khi 2 năm liên tiếp không tăng.
Việc này kỳ vọng đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động; tránh dồn nhiều năm không điều chỉnh; hạn chế “cú sốc” trên thị trường lao động và gánh nặng của doanh nghiệp; giải quyết vấn đề an sinh xã hội…
Theo ông Quảng, mỗi lần tăng lương tối thiểu thì số doanh nghiệp áp dụng tăng lương lên tới 90%, trừ doanh nghiệp đã chi trả mức cao nên không tăng hoặc tăng ít. Ví dụ năm 2020, mức lương tối thiểu vùng tăng 5,5% giúp hàng triệu người lao động có thêm tiền trang trải sinh hoạt phí, nhất là người có mức lương thấp.
Ông Quảng cho biết thêm, việc bàn thảo mức tiền lương tối thiểu vùng không đơn giản và cần ý kiến nhiều cơ quan liên quan do phụ thuộc nhiều yếu tố như nhu cầu sống tối thiểu, mức tiền lương thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vấn đề việc làm – thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp…
Trong khi đó, TS Vũ Minh Tiến – viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn – cho hay đời sống công nhân hiện nay đang khá “bấp bênh”. Số công nhân khó khăn tăng mạnh, ước khoảng 30-40% tổng số công nhân cả nước.
“Những người này có tích lũy tài chính hạn chế. Nếu họ không làm thêm giờ hoặc phải nghỉ ốm, giảm việc làm sẽ trở nên túng quẫn ngay lập tức”, TS Tiến lý giải.
Theo vị này, tính chất việc làm hiện nay “bấp bênh” nên thu nhập công nhân cũng “phập phù”. Dịch bệnh, đơn hàng giảm khiến số công nhân bị ảnh hưởng càng lớn, tập trung lĩnh vực dịch vụ (nhà hàng, khách sạn), giao thông vận tải (lái xe, vận chuyển)…
Vấn đề sức khỏe, đời sống tinh thần, gánh nặng chăm lo con cái, hỗ trợ gia đình ở quê, sinh hoạt phí tăng, chưa kể chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2021 dự kiến tăng khoảng 2% khiến đời sống công nhân càng vất vả hơn.
Từ những lý do trên, TS Vũ Minh Tiến cho rằng “không thể không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022” do năm 2021 đã không tăng tức là lương đã giảm về thực tế, khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu tiếp tục nới hơn 10%.
Theo ông Tiến, việc tăng lương tối thiểu vùng ngay trong năm 2022 sẽ bảo vệ chính người lao động đang có việc làm, kích thích doanh nghiệp “giữ chân” công nhân, thực hiện quy định của Bộ luật lao động về điều chỉnh lương tối thiểu…
“An sinh xã hội được bảo đảm vì nhiều chế độ gắn với lương tối thiểu vùng như mức đóng bảo hiểm xã hội. Lâu dài tiến tới bảo đảm mức đủ sống của người lao động”, ông Tiến nói.
Thống kê sơ bộ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết có hơn 2 triệu công nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực, mất việc, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập do dịch COVID-19.