23/01/2025

Sát giờ G vẫn chờ hướng dẫn bay quốc tế

Sát giờ G vẫn chờ hướng dẫn bay quốc tế

Chỉ còn 1 tuần nữa đến mốc 1.1.2022 – hạn chót cho việc mở lại đường bay quốc tế, nhưng hành khách, các hãng hàng không, lữ hành vẫn hồi hộp chờ đợi, thì các văn bản hướng dẫn từ bộ ngành vẫn đang ra “nhỏ giọt”.

 

 

 

Tối 22.12, Văn phòng Chính phủ đã phát thông báo của Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thúc giục các bộ ngành liên quan khẩn trương ra các văn bản hướng dẫn để mở lại đường bay quốc tế đúng kế hoạch từ ngày 1.1.2022.

Hiện mới chỉ Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn chính thức về quy định cách ly với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không. Bộ này ngày 21.12 cũng mới đưa ra tiêu chí thống nhất về biểu mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vắc xin. Trong khi đó, các bộ ngành khác tới nay cũng chưa có hướng dẫn chính thức công khai liên quan đến việc mở lại đường bay quốc tế.

Sát giờ G vẫn chờ hướng dẫn bay quốc tế - ảnh 1
Chuyến bay đầu tiên chở du khách quốc tế đến sân bay Nội Bài trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế, ngày 17.11 ĐẬU TIẾN ĐẠT

Hàng không “nhấp nhổm” đợi

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Đinh Việt Thắng, trước đó Cục đã gửi thư và trao đổi qua điện thoại với nhà chức trách hàng không các nước về dự định mở lại đường bay thường lệ. Tính đến hôm qua 23.12, ngành hàng không đã nhận được phản hồi chính thức từ phía Nhật Bản với số lượng dự kiến 4 chuyến mỗi bên (8 chuyến/tuần). Trong đó, 2 hãng hàng không Việt Nam khai thác là Vietnam Airlines (Việt NamA) và Vietjet Air, phía Nhật Bản là Japan Arilines và ANA.

Về việc vì sao chưa phân bổ slot (lượt chuyến bay) cho các hãng đủ thời gian chuẩn bị mở bán vé, theo ông Thắng, việc phân bổ lịch bay phải được cả hai bên chấp nhận chứ không thể đơn phương bên nào quyết định. Ngay khi đạt được thống nhất với các nước và có kế hoạch cụ thể về số lượt chuyến, hãng hàng không khai thác, Cục Hàng không sẽ lập tức cấp slot bay cho các hãng.

Đại diện VNA cho biết vẫn đang đợi kế hoạch phân bổ lịch bay chính thức từ phía Cục Hàng không cũng như hướng dẫn của các bộ. Theo kế hoạch của Bộ GTVT, trong thời gian đầu, Việt Nam sẽ kiểm soát số lượng chuyến bay vào, khoảng 4 – 7 chuyến đối với mỗi thị trường.

Chúng tôi liên hệ với các đối tác hàng không, họ cũng như đang ngồi trên đống lửa. Mặc dù Chính phủ đã quyết rồi nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan ban ngành nào hướng dẫn cụ thể việc mở đường bay ra sao, bay bao nhiêu chuyến, mở những đường nào… nên hàng không chưa thể mở bán vé. Hàng không tắc thì du lịch cũng kẹt.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist

Dù vậy, hãng này cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ từ Việt Nam đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, theo đại diện hãng này, việc bao giờ bay hay đường bay nào sẽ được mở lại, bao nhiêu chuyến tới thời điểm này vẫn đang phải chờ.

Đến hôm qua, không chỉ VNA, các hãng khác cũng đang nóng lòng chờ đợi mà chưa công bố mở bán vé chính thức do chưa được cấp slot. Theo khuyến cáo, để chuẩn bị, hành khách cần theo dõi thông tin nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhập cảnh tại điểm đến theo quy định của các cơ quan chức năng trước khi mua vé, như các yêu cầu về hộ chiếu vắc xin, xét nghiệm âm tính, tình trạng tiêm chủng hoặc khỏi bệnh Covid-19, nơi lưu trú tại điểm đến, thời gian cách ly…

Sẵn sàng rồi tiếp tục… chờ

Ngày 10.12, các doanh nghiệp (DN) du lịch “mừng hơn được vàng” khi Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 9.12 về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Sát giờ G vẫn chờ hướng dẫn bay quốc tế - ảnh 2
Các hãng hàng không và hành khách vẫn đang chờ đợi lịch bay chính thức  GIA HÂN

Lập tức bắt tay xây dựng kế hoạch phục vụ cho đối tác tổ chức 2 cuộc hội thảo quốc tế lớn, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, phấn khởi thông báo lịch booking (đặt chỗ) dự kiến quý 1/2022. Thế nhưng đã gần hết tháng 12, mọi sự chuẩn bị của Công ty lữ hành Saigontourist vẫn tiếp tục dừng ở bước kế hoạch và tiếp tục chờ đợi.

“Chúng tôi liên hệ với các đối tác hàng không, họ cũng như đang ngồi trên đống lửa. Mặc dù Chính phủ đã quyết rồi, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan ban ngành nào hướng dẫn cụ thể việc mở đường bay ra sao, bay bao nhiêu chuyến, mở những đường nào… nên hàng không chưa thể mở bán vé. Hàng không tắc thì du lịch cũng kẹt. Hiện chúng tôi cũng chỉ thông báo được với các đối tác là Việt Nam đã quyết đầu năm mới mở đường bay rồi để họ yên tâm hơn, giữ chân họ thêm được chút thôi. Về cơ bản vẫn chưa thể làm gì”, ông Yên chia sẻ.

Khánh Hòa triển khai 26 chuyến bay quốc tế

Ngày 23.12, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết ngày 26.12 Sở Du lịch sẽ tổ chức lễ đón đoàn khách du lịch Nga đến Khánh Hòa. Đây là đoàn khách Nga đầu tiên đến tỉnh kể từ khi thị trường khách quốc tế bị “đóng băng” vì dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 3.2020. Trước đó, Công ty du lịch Anex Việt Nam đã hoàn thiện thủ tục xin phép cơ quan chức năng về việc phối hợp với Hãng hàng không Azur Air và Công ty điều hành tour Anex Tour Russia (Nga) tổ chức 26 chuyến bay đưa khách Nga từ Moscow đến Nha Trang – Khánh Hòa trong khoảng thời gian từ 26.12.2021 – 23.3.2022. Theo kế hoạch, Anex Việt Nam sẽ tổ chức 2 chuyến bay/tuần, mỗi chuyến từ 320 – 340 du khách.

Hiền Lương

Cũng theo vị này, trước đó Saigontourist đã xây dựng phương án kết hợp với Hãng hàng không quốc gia VNA đón khách quốc tế sử dụng phương án hộ chiếu vắc xin theo phương án thí điểm mà Phú Quốc cùng 4 địa phương khác đang triển khai. Khi Chính phủ cho phép mở đường bay thương mại, phương án thí điểm đón khách được chuyển thành một phần nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của công ty.

Thế nhưng hiện nay, đường bay năm mới chưa mở bán, trong khi Bộ VH-TT-DL mới đây đề xuất Chính phủ đẩy nhanh thực hiện sớm ngay từ bây giờ giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc tế, trong đó xem xét bổ sung các địa phương đủ điều kiện như TP.HCM, Bình Định. “Bên chờ, bên đẩy, tình hình thay đổi liên tục khiến DN không biết đâu mà lần”, ông Yên nói.

Không nên nhiều quy định rối rắm

“Thời gian qua do không mở cửa, đường bay không có, các đối tác đã hủy hết các booking của mùa cao điểm năm nay. Giai đoạn hiện nay nếu mở cửa, ngành du lịch kỳ vọng nhất vào đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài hồi hương. Mọi năm, mỗi dịp trước và sau tết, lượng khách là người Việt Nam ở các nước về đi tour trong nước rất mạnh. Họ về cùng gia đình, người thân, số lượng rất lớn. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm, đầu năm mới là mùa của du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện – NV). Nếu còn chần chừ, không mở nhanh, ngành du lịch có thể sẽ tiếp tục bỏ lỡ những đối tượng khách này, lỡ tiếp cơ hội hồi phục sau đại dịch”, Tổng giám đốc Saigontourist lo ngại.

Đáng nói, dù Phó thủ tướng thường trực đã 2 lần có công văn thúc các bộ đẩy nhanh việc mở cửa hàng không quốc tế, nhưng trong văn bản trao đổi mới nhất giữa Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao, các chuyến bay thương mại quốc tế dường như vẫn bị “lãng quên”. Cụ thể, Công văn số 5452 của Bộ Ngoại giao gửi Bộ Y tế ngày 17.12 chỉ bàn về việc bổ sung các chuyến bay combo/hình thức tự trả chi phí và các chuyến bay đưa công dân về nước áp dụng phương án cách ly 7 ngày tập trung.

Mọi lý do trì hoãn bản chất đều là muốn duy trì các chuyến bay combo, bay giải cứu để phục vụ cho 1 nhóm lợi ích. Việt Nam đóng cửa, du khách nước ngoài họ chọn nơi khác, còn Việt kiều thì không thể không về nhà. Việc chậm mở các đường bay thương mại quốc tế đang “giết chết” du lịch Việt Nam, đẩy các DN sâu thêm vào tình cảnh khốn cùng.

Ông Ngô Minh Đức

Trong văn bản phúc đáp của Bộ Y tế, bộ này thừa nhận một số chuyến bay combo đã phê duyệt hiện phải hoãn, dừng do nhiều nơi bà con hủy vé để chờ triển khai nối lại chuyến bay thương mại thường lệ… Tuy nhiên, do số lượng các lao động hết hợp đồng, mong muốn về nước vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1.2022 vẫn rất cao, nên Bộ Y tế đồng ý bổ sung một số chuyến bay theo dạng combo để đáp ứng nhu cầu của các lao động, công dân Việt Nam. Dù vậy, việc tổ chức, bổ sung các chuyến bay thường lệ không được nhắc tới.

Mặt khác, việc mở lại đường bay quốc tế cũng đang phụ thuộc vào việc Bộ Ngoại giao đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vắc xin.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings – thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, thẳng thắn cho rằng các bộ đang cố tình viện lý do để trì hoãn việc mở đường bay thương mại quốc tế. Cụ thể, việc đặt ra khái niệm hộ chiếu vắc xin và chờ đàm phán với các nước là vô nghĩa vì hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào yêu cầu giấy tờ này.

Đơn cử, chính phủ Mỹ chỉ yêu cầu duy nhất là visa, không giới hạn khách đã tiêm hay chưa tiêm. Người Việt đi châu Âu cũng chỉ cần visa và bảo hiểm. Một số nước yêu cầu “Chứng nhận đã tiêm vắc xin” do Bộ Y tế cấp, nhưng không quy định phải là mẫu chuẩn. Rất nhiều khách hàng của Gotadi (trang web đặt vé máy bay, khách sạn của HG Holdings) cầm tờ giấy chứng nhận của Bộ Y tế Việt Nam, thậm chí không có bản dịch tiếng Anh vẫn có thể tự do đi khắp châu Âu.

Trong khi đó, nếu chuyển từ khái niệm “Chứng nhận tiêm vắc xin” sang “Hộ chiếu vắc xin” thì người Việt giờ muốn đi nước ngoài cần phải xin 2 loại hộ chiếu: một loại từ Bộ Công an và một từ Bộ Ngoại giao và người từ nước ngoài tới Việt Nam cũng sẽ phải đi xin mẫu giấy này. Điều này sẽ làm tăng thủ tục hành chính, đồng nghĩa với tăng tiêu cực.

 

MAI HÀ – HÀ MAI

TNO