Ông lớn dệt may từ ‘tuyệt vọng’ thành ‘thắng lớn’ ngay trong năm 2021
Ông lớn dệt may từ ‘tuyệt vọng’ thành ‘thắng lớn’ ngay trong năm 2021
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, nói rằng năm 2021 tưởng như là năm “tuyệt vọng” với tập đoàn, nhưng cuối cùng đã kết thúc một cách “thắng lớn”.
Câu chuyện trên được người đứng đầu Tập đoàn Dệt may (Vinatex) chia sẻ tại cuộc gặp mặt báo chí hôm nay, 23.12, để công bố kết quả kinh doanh năm 2021.
Lợi nhuận của Vinatex năm 2021 tăng tới 202% so với 2020 CHÍ HIẾU |
Ông Hiếu kể 2021 là năm chưa có trong lịch sử với Tập đoàn khi những doanh nghiệp chủ lực như May Viettien có thời điểm 34.000 lao động phải nghỉ việc trong số 36.000 nhân viên, do các tỉnh phía nam giãn cách xã hội.
“Lúc đó chúng tôi nghĩ gần như là tuyệt vọng rồi. Nhưng may thay sau đó, khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, trong tháng đầu tiên, 90% người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn đã trở lại làm việc, trong khi nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành, cùng địa phương thì tỷ lệ quay lại không cao, chỉ 50-60%”, ông Hiếu nói, và cho biết thêm đến nay gần như 100% lao động trong Tập đoàn đã làm việc bình thường trở lại.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Vinatex cho hay doanh thu hợp nhất cả năm 2021 ước đạt hơn 16.400 tỉ đồng, bằng 110,7% so với năm trước. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.200 tỉ đồng, bằng 202% so với năm ngoái và đặc biệt là cao hơn tới 70% so với năm trước đại dịch 2019.
Nói về mức lợi nhuận này, ông Hiếu nhiều lần dùng đến cụm từ “ngoạn mục” và “nằm ngoài dự báo của Tập đoàn”.
Lý giải cho 1 năm bội thu bất chấp đại dịch, ông Hiếu cho hay đó là nhờ việc chuyển đổi cơ cấu với việc tỷ trọng ngành sợi ngày một cao. “Năm năm trước, đóng góp của may là 80% và sợi là 20% nhưng năm nay, sợi đã chiếm tỷ trọng gần 55% doanh thu và lợi nhuận cũng chiếm 50%.
Cùng với đó, đại diện Vinatex cho biết thành công trong năm qua đến từ việc nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các đối thủ. “Nửa đầu năm, chúng ta đã tận dụng thị trường rất tốt, trong khi các đối thủ chính của chúng ta là Ấn Độ, Bangladesh đang chìm trong đại dịch. Nhờ đó chúng ta đã vượt lên để đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc”, ông Hiếu thông tin.
Ngoài ra, kết quả này còn đến từ việc Vinatex đã hoàn thiện và khép kín được chuỗi cung ứng trong bối cảnh đứt gãy cung ứng toàn cầu. Cụ thể là Tập đoàn đã quy hoạch sản xuất công nghiệp cân bằng tương đối giữa các lĩnh vực.
Dù vậy, lãnh đạo Vinatex cũng thừa nhận hiện số đơn vị có chuỗi trọn gói từ sợi – dệt – may chưa nhiều. Ví dụ, Dệt Đông Xuân chưa có sợi, trong khi Đông Phương lại không có may.
Do đó, trọng tâm trong năm 2022 là Tập đoàn sẽ đầu tư để khép kín chuỗi ở cả 2 trung tâm phía nam và phía bắc, trong đó mỗi trung tâm sợi sẽ được nâng quy mô lên đến 1.000-1.500 tấn/mỗi tháng, so với sức sản xuất hiện nay chỉ 200 tấn/tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng tính đến việc phát triển thêm 2 trung tâm dệt kim tại Khánh Hoà và Nghệ An.
Nhờ những kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm qua nên đại diện công đoàn Vinatex cho biết, năm nay các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đều có thưởng tết tối thiểu 1,5 – 2 tháng lương thứ 13.
CHÍ HIẾU
TNO