22/12/2024

Giáo dục vượt qua đại dịch: Thay đổi trên nền tảng chuyển đổi số

Giáo dục vượt qua đại dịch: Thay đổi trên nền tảng chuyển đổi số

Trong hai năm qua, do đại dịch Covid-19, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, hàng chục ngàn trường học phải đóng cửa, hàng triệu học sinh, sinh viên phải dừng đến trường, chuyển qua học trực tuyến hoặc truyền hình.

 

 

Trong bối cảnh này, đòi hỏi ngành giáo dục nỗ lực hơn để vượt qua đại dịch.

Giáo dục vượt qua đại dịch: Thay đổi trên nền tảng chuyển đổi số - ảnh 1
Do đại dịch Covid-19, hàng chục ngàn trường học phải đóng cửa, hàng triệu học sinh, sinh viên phải dừng đến trường, chuyển qua học trực tuyến  ĐÀO NGỌC THẠCH

Dạy học, bồi dưỡng giáo viên linh hoạt

Trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, Bộ GD-ĐT kịp thời chỉ đạo các địa phương, trường học thực hiện “dừng đến trường nhưng không dừng học”; dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch từng địa phương như: dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, giao bài tập, nhiệm vụ học tập ở nhà đối với vùng có dịch, dạy học trực tiếp đối với vùng an toàn nhưng sẵn sàng chuyển qua trực tuyến; giảm tải chương trình học; kiểm tra, đánh giá linh hoạt, đa dạng, có thể bằng trực tuyến…

Việc triển khai chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới gặp rất nhiều khó khăn trong thẩm định sách mới và tập huấn cho giáo viên (GV). Tuy nhiên, Bộ đã linh hoạt trong thẩm định sách thông qua hội đồng họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Việc bồi dưỡng theo phương thức tự học là chính, điều mà trước đây chưa làm được.

Giáo dục vượt qua đại dịch: Thay đổi trên nền tảng chuyển đổi số - ảnh 2
Chích vắc xin phòng Covid-19 để học sinh trở lại trường  ĐÀO NGỌC THẠCH

Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng

Đại dịch là phép thử lớn với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn dạy và học trực tuyến tạo cơ sở pháp lý cho việc dạy, học, đánh giá trực tuyến. Về phía người học, đây là cơ hội để tự học, tự khám phá tri thức, học mọi lúc, mọi nơi, kết nối với nhóm học tập, kết nối với thầy cô để nâng cao hiệu quả học tập và kỹ năng sử dụng công nghệ trong học tập. Về phía người dạy, giáo án điện tử trực tuyến đòi hỏi sự đầu tư thiết kế công phu để kích thích sự tương tác, tăng cường hứng thú của học sinh (HS) cũng là cơ hội cho GV đổi mới dạy học, nâng cao kỹ năng công nghệ.

Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực của ngành giáo dục, nhà trường, GV và HS cũng không tránh khỏi chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng và cả những tác động lâu dài đến tâm lý HS, GV và phụ huynh. Học trực tuyến, HS hạn chế giao tiếp trực tiếp với bạn bè, xã hội, thực hành, trải nghiệm thực tế, sinh hoạt câu lạc bộ…

Thay đổi toàn diện từ công nghệ đến con người

Từ thực tế dạy, học trong năm qua, ngành giáo dục cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bức tranh tổng thể cho công tác dạy và học, kiểm tra, đánh giá với nhiều giải pháp cụ thể, căn cơ, phù hợp thực tiễn.

Thay đổi nhận thức của GV, các nhà trường về dạy, học và kiểm tra trực tuyến, không phải là giải pháp tình thế, mà là giải pháp dạy học chính thức, lâu dài, một xu hướng dạy học khi thế giới luôn biến đổi và rất nhiều thách thức ở phía trước. Dạy học trực tuyến, sẽ tạo điều kiện triển khai các mô hình dạy học mới như “lớp học đảo ngược” để HS có thể tự học kiến thức mới ở nhà, khi đến lớp HS và GV cùng tranh luận, qua đó, người học rèn luyện các tư duy bậc cao như: phân tích, đánh giá, phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Theo thống kê, cả nước có khoảng 7,3 triệu HS học trực tuyến, nhưng có hơn 1,5 triệu HS chưa có thiết bị để học. Đây là nguy cơ không đảm bảo chất lượng và mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ TT-TT đề xuất chương trình “Sóng và máy tính cho em”, có ý nghĩa lớn, hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành giáo dục, giảm khó khăn cho HS bị thiệt thòi. Chương trình đặt mục tiêu phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc; giai đoạn 1 (năm 2021) huy động 1 triệu máy tính cho HS, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Giai đoạn 2 (2022 – 2023), 100% HS, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo toàn quốc được trang bị máy tính, thiết bị học trực tuyến.

Việc chuyển đổi số trong giáo dục là một sự đổi mới toàn diện về cả nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Xây dựng SGK, tài liệu số, các kho cơ sở dữ liệu bài giảng trực tuyến, các video bài học ngắn, các trò chơi học tập… để hỗ trợ giảng dạy cho GV. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin hợp tác với ngành giáo dục xây dựng các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với dạy và học ở nước ta, tích hợp đồng bộ với các hệ thống quản lý dạy và học đang triển khai ở trường học. Công tác quản lý dạy và học thực hiện chủ yếu qua internet. Các trường đại học, nhất là các trường sư phạm cần đẩy mạnh mô hình “lớp học đảo ngược” để nâng cao chất lượng đào tạo và tiếp cận với giáo dục 4.0. Các đại học, trường đại học tổ chức thi đánh giá năng lực HS phổ thông trực tuyến, chuẩn hóa đề thi và thực hiện nhiều lần trong năm để phục vụ tuyển sinh đầu vào.

Biên soạn SGK theo hình thức tự học ngay từ cấp tiểu học, biên soạn sách hướng dẫn tự học cho HS, mỗi môn học trong từng cấp là một cuốn hướng dẫn.

Nâng cao thu nhập và khuyến khích sự năng động sáng tạo, khai phóng và cống hiến của mỗi GV. Đầu tư xây dựng mỗi nhà trường là một sinh thái học tập bao gồm: chủ thể học tập (cá nhân người học, thầy giáo, nhóm…); tri thức học tập (chương trình, bài giảng, SGK, tài liệu, tri thức người học, người dạy, tri thức nhóm, tri thức trên mạng); công nghệ học tập (mạng internet, hệ thống E-learning, phần mềm học tập, phần mềm mô phỏng, thực tế ảo…); bối cảnh học tập (học lý thuyết, học thực hành, tự học ở nhà, thảo luận ở lớp, học trải nghiệm…). Công nghệ học tập đóng vai trò quan trọng và thay đổi nhanh nhất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ đại dịch cho thấy xã hội nước ta cũng bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó có đạo đức: một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đại dịch để trục lợi. Đây là hành động vi phạm đạo đức, pháp luật cần được lên án mạnh mẽ của xã hội và HS, sinh viên. Giáo dục đạo đức cho HS là hướng đến dạy làm người, để các em sau này trở thành những người sống tốt, làm việc trung thực, trách nhiệm, hiệu quả, đủ sức cùng nhau vượt qua các thảm họa nếu xảy ra. Trong sách Quốc văn giáo khoa thư trước đây có bài thơ Răn kẻ tham rất có ý nghĩa hiện nay, nên chăng đưa bài thơ này vào SGK để dạy cho HS.

Tiếp tục thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” và ngành GD-ĐT các địa phương tiếp tục tham mưu hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện miễn hoặc giảm học phí cho HS năm học 2021 – 2022 và các năm sau.

Thảm họa giáo dục chưa từng có

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỉ người học trên toàn cầu tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc đóng cửa trường học tác động tới 94% số HS, sinh viên toàn thế giới. Tỷ lệ này lên đến 99% tại các nước có thu nhập thấp và dưới trung bình. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về giáo dục khi nó làm giảm cơ hội tiếp cận của trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn ở những nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người sống ở vùng nông thôn, miền núi, người tị nạn, người khuyết tật, con em người lao động ở các khu trọ…

Kể từ đầu dịch đến nay, VN có hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 30.000 ca tử vong, HS nhiều địa phương phải thực hiện dừng đến trường kéo dài. Cùng với đó, là hàng chục ngàn HS, GV bị nhiễm bệnh, phải đi điều trị hoặc cách ly, hàng ngàn trẻ em bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ. Hàng ngàn trường làm khu cách ly, hàng trăm trường, chủ yếu là trường mầm non tư thục phải giải thể… Những thiệt hại này là chưa từng có đối với giáo dục nước ta.

 

HỒ SỸ ANH

TNO