18/11/2024

Đề xuất hình thành ‘thiên đường ẩm thực’ gần sân bay Tân Sơn Nhất

Đề xuất hình thành ‘thiên đường ẩm thực’ gần sân bay Tân Sơn Nhất

Đề xuất được nêu tại Hội thảo “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế” do Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM tổ chức sáng nay (23.12).

 

 

Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp mới trong công tác quy hoạch phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội của địa phương sau đại dịch Covid-19, hướng đến phát triển đô thị bền vững trong tương lai.

Biến công viên Hoàng Văn Thụ thành trung tâm văn hóa giải trí

Tham gia trình bày tham luận, kỹ sư Thạch Phước Hùng – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM – nhận định quận Tân Bình nằm ở tâm của địa phận TP.HCM, là đầu mối giao thông hàng không duy nhất của thành phố, có hạ tầng giao thông bộ kết nối khu phía bắc và phía tây thành phố với trung tâm quận 1.

Bên cạnh đó, trên địa bàn quận có nhiều di tích văn hóa – lịch sử, có nhiều tiềm năng trở thành các điểm đến thu hút du khách.

Đặc biệt, công viên Hoàng Văn Thụ là một trong những yếu tố quan trọng có thể khai thác hiệu quả dịch vụ, kinh tế nhưng hiện bị bỏ phí. Tại công viên chưa được tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, nhất là vào buổi tối. Trong khi đó, với vị trí hiện nay, công viên Hoàng Văn Thụ hoàn toàn có thể nâng cấp trở thành trung tâm văn hóa giải trí cuối tuần, giống như Hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội.

Xung quanh công viên có Bảo tàng Lực lượng vũ trang Đông Nam bộ, có nhà hát quân đội, có thể chặn lối đi hình thành tuyến đi bộ. Song song, tổ chức các hoạt động âm nhạc, triển lãm gắn với các dịch vụ ẩm thực, kinh tế phục vụ du khách và người dân đến tham quan, giải trí, nghỉ ngơi dịp cuối tuần. Từ đó, tạo nguồn thu quay lại tôn tạo các công trình này.

“Gần đó, đường Trường Sơn và các đường nhánh có rất nhiều nhà hàng, quán ăn, ẩm thực miền Bắc nổi tiếng nhưng đang hoạt động đơn lẻ, mang tính cạnh tranh. Chúng ta có thể quy tụ, gắn kết các nhà hàng tại các khu phố này lại, xây dựng, phát triển thành thương hiệu cộng đồng như khu phố ẩm thực Bắc vị, phố Củ Chi, phố Cần Giờ… Thiên đường ẩm thực này không chỉ phục vụ người dân thành phố mà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trước khi vào sân bay” – ông Hùng đề xuất.

Cũng theo vị này, đây là giải pháp trước mắt để khai thác hiệu quả kinh tế khu vực công viên Hoàng Văn Thụ. Về trung hạn (giai đoạn từ 5 – 10 năm), quận Tân Bình có thể phát triển các mô hình “công viên bỏ túi”. Đây là hình thái không gian mở được khuyến khích hình thành nhằm xây dựng bổ sung diện tích mảng xanh công viên còn thiếu của quận. Những “công viên bỏ túi” tận dụng quỹ đất chưa được khai thác hiệu quả, trồng cỏ, xây dựng những vị trí tham quan cho giới trẻ check-in, trở thành mô hình không gian kết nối cộng đồng.

Đề xuất hình thành 'thiên đường ẩm thực' gần sân bay Tân Sơn Nhất - ảnh 1
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những điểm đen giao thông của TP.HCM NGOC DUONG

Giải “nút thắt” giao thông

Tham gia Hội thảo, hầu hết chuyên gia đều đánh giá việc chuyển đổi và xây dựng mô hình đô thị sân bay là xu hướng và quận Tân Bình có rất nhiều tiềm năng. Song, còn không ít thách thức.

KTS Đỗ Nguyên Phong, Trưởng phòng Quy hoạch 2 – Viện Quy hoạch xây dựng phân tích: Trong định hướng phát triển đô thị TP.HCM qua các lần quy hoạch và điều chỉnh, tiềm năng “sân bay Tân Sơn Nhất” chưa được quan tâm và khai thác đúng mực. Khái niệm về đô thị sân bay Tân Sơn Nhất gần như không tồn tại hoặc rất mờ nhạt. Vì thế, các chức năng khu vực xung quanh sân bay (quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp) hầu như chỉ đơn thuần là khu dân cư và một vài tuyến đường gắn với sân bay “có” chức năng hỗn hợp (ở kết hợp = thương mại dịch vụ).

Đây là một thách thức lớn trong việc chuyển đổi và xây dựng “mô hình đô thị sân bay” đối với quận Tân Bình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển của những đô thị lớn tương đồng khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Tân Sơn Nhất nằm sâu trong khu vực nội thành. Các tuyến đường bộ xung quanh bên ngoài cảng hàng không khó có khả năng mở rộng với quy mô lớn tương ứng nhằm giải tỏa mật độ hành khách.

Trong khi đó, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Giao thông đô thị TP.HCM thẳng thắn nhận định hàng chục năm qua, quận Tân Bình và sân bay Tân Sơn Nhất đã không phát triển theo mô hình đô thị sân bay. Việc phát triển đô thị đã lấn vào đất sân bay rất nhiều. Ngược lại, sự phát triển của sân bay cũng không theo mô hình này. Do đó, quỹ đất không còn nhiều để phục vụ việc triển khai mô hình quốc tế này.

Mặt khác, Tân Sơn Nhất hiện là sân bay hiếm hoi trên thế giới không có đường cao tốc kết nối. Kết nối giao thông khu vực này vô cùng yếu. “Từ việc mở rộng đường Trường Sơn ì ạch tới việc không làm được đại lộ Phạm Văn Đồng nối thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất, không mở Nguyễn Văn Trỗi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa thành đại lộ nối từ sân bay Tân Sơn Nhất sang Thủ Thiêm… Chúng ta hiện gánh chịu hậu quả của sự phát triển không bài bản và thiếu tầm nhìn” – ông Nam nói.

Bên cạnh việc nghiên cứu lại hiệu quả quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T3 theo phương án của Tư vấn Pháp, TS Lương Hoài Nam đề xuất cần đẩy nhanh hoàn thiện kết nối giao thông khu vực sân bay. Các công trình xây đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, đường trên cao số 1, số 2… đã có trong quy hoạch, cần làm ngay, làm gấp để giải tỏa áp lực giao thông. Song song, phát triển các quỹ đất hai bên các tuyến đường này để triển khai các hoạt động thương mại dịch vụ theo mô hình đô thị sân bay.

 

HÀ MAI

TNO