23/12/2024

Nguy cơ châu Âu bất hoà vì biến thể Omicron

Nguy cơ châu Âu bất hoà vì biến thể Omicron

Dù Uỷ ban Châu Âu yêu cầu các nước thành viên tiếp tục mở cửa biên giới đối với cư dân trong khối, một số nước vẫn làm ngược lại để ngăn chặn biến thể Omicron.

 

 

Bị nhà hàng xua đuổi

Tờ The Guardian ngày 21.12 đưa tin kể từ khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố các nhà hàng, quán bar và những cửa tiệm bán hàng không thiết yếu đóng cửa từ ngày 19.12.2021 – 14.1.2022, nhiều người dân đã đổ xô đến các nhà hàng và cửa tiệm ở hai nước láng giềng Bỉ và Đức.

Nguy cơ châu Âu bất hòa vì biến thể Omicron - ảnh 1
Một con phố ở TP.Rotterdam (Hà Lan) ngày 19.12  AFP

Giới chức Bỉ đã chống lại lời kêu gọi của giới khoa học là thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt hơn, cho phép các nhà hàng mở cửa đến 23 giờ đối với những khách hàng có thể chứng minh họ đã tiêm vắc xin đầy đủ. Ở Đức, các tiểu bang được trao quyền đóng cửa các nhà hàng để ngăn chặn sự lây lan của Omicron, nhưng biện pháp như thế nói chung vẫn chưa được thực thi.

Tuy nhiên, tình trạng người Hà Lan đổ xô sang các nhà hàng ở Bỉ và Đức đã gây quan ngại cho giới chức ở hai nước láng giềng và họ không được hoan nghênh. Tại cuộc họp ngày 20.12 với tỉnh trưởng Cathy Berx của tỉnh Antwerp thuộc Bỉ, các thị trưởng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây lan Omicron do người Hà Lan vượt qua biên giới.

“Để tình trạng này xảy ra là con đường ngắn nhất dẫn tới việc đóng cửa ngành ẩm thực và không ai muốn điều đó. Vì vậy, lời thỉnh cầu thân thiện nhưng cứng rắn là xin đừng đến các quán ăn hay nhà hàng trong tỉnh Antwerp vào lúc này”, Tỉnh trưởng Berx nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Marc Van Aperen, lãnh đạo thị trấn Hoogstraten thuộc Antwerp, cho hay tính từ cuối tuần trước đã có hàng trăm người từ Hà Lan bị các nhà hàng địa phương xua đuổi.

“Tôi có nhiều người bạn Hà Lan, nhưng tốt nhất là họ nên ở lại đất nước của họ trong một thời gian”, ông Aperen nói. Tương tự, quan chức Kai Zwicker ở Westmünsterland, một vùng thuộc Đức giáp với Hà Lan, nói rằng người dân nên ở phía bên kia biên giới. “Vào lúc này, xin đừng thực hiện những chuyến đi không cần thiết đến nước láng giềng. Người Đức nên ở lại trong nước của họ, người Hà Lan ở lại Hà Lan”, ông Zwicker kêu gọi.

“Phải hành xử giống người châu Âu”

Tình trạng người Hà Lan không được hoan nghênh như trên xảy ra giữa lúc Ủy ban Châu Âu kêu gọi 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục mở cửa biên giới cho các cư dân trong khối.

Theo sau Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 16.12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã viết trên Twitter: “Chúng ta phải tiếp tục hành xử giống người châu Âu. Những người đã tiêm vắc xin sẽ không phải trải qua bất kỳ cuộc thử nghiệm nào khi đi lại giữa các nước thành viên của Liên minh châu Âu”.

Trong khi đó, Ý đang đề nghị những người trong các quốc gia thành viên EU đến nước này phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, theo The Guardian. Thụy Điển thì từ ngày 28.12 sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh, kể cả 4 nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Na Uy. Trong đó, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan thuộc EU. Trước đây, các nước Bắc Âu được miễn trừ các quy định thắt chặt biên giới của Thụy Điển, theo CNN. Tương tự, Đức ngày 19.12 đã liệt Anh vào danh sách các quốc gia có “biến thể đáng quan ngại”, cấm phần lớn những người đến từ Anh nhập cảnh, ngoại trừ các công dân Đức. Trước đó, Pháp cũng đã có biện pháp tương tự, theo tờ Daily Mail.

“Cơn bão” đang đến ở châu Âu

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu

Hans Kluge ngày 21.12 cảnh báo các nước ở châu lục này về nguy cơ số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt khi biến thể Omicron lây lan nhanh. Ông Kluge cho hay kể từ khi xuất hiện hồi tháng 11, biến thể Omicron đã được phát hiện tại 38 trong 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu của WHO, chiếm ưu thế ở Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Anh, theo Reuters.

“Chúng ta có thể chứng kiến một cơn bão khác đang đến. Trong vài tuần, Omicron sẽ chiếm ưu thế ở thêm nhiều nước trong khu vực, đẩy những hệ thống y tế vốn đã căng tới bờ vực”, ông Kluge cảnh báo. Ông cho biết thêm 89% số ca mắc Omicron lúc đầu ở châu Âu có các triệu chứng nhẹ, như ho, đau họng và sốt. Ông Kluge khuyến nghị tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường để tăng khả năng bảo vệ trước Omicron.

 

VĂN KHOA

TNO