23/01/2025

WHO cảnh báo Omicron lây lan nhanh

WHO cảnh báo Omicron lây lan nhanh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo ngại về tốc độ lây lan quá nhanh của biến thể Omicron, đồng thời kêu gọi thế giới nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19 vào năm 2022.

 

 

Hãng Reuters hôm qua dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo biến thể Omicron của SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn biến thể Delta và những người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh cũng có thể nhiễm. “Giờ đây đã có chứng cứ chắc chắn rằng Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với Delta, cũng như có nhiều khả năng những người đã tiêm vắc xin bị nhiễm, hoặc đã khỏi bệnh bị tái nhiễm”, ông nêu rõ.

WHO cảnh báo Omicron lây lan nhanh - ảnh 1
Hành khách tại Sân bay quốc tế Dulles ở Virginia (Mỹ) vào ngày 20.12  AFP

“Đừng ăn mừng rồi đau buồn”

Trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ sắp đến, ông kêu gọi các nước nên hạn chế những sự kiện ăn mừng, vì việc cho phép tụ tập đông người sẽ là “cơ sở hoàn hảo” để Omicron lây lan. “Tốt hơn nên hủy các sự kiện lúc này và ăn mừng sau, hơn là ăn mừng lúc này rồi sau đó đau buồn”, ông khuyến nghị. WHO cho biết biến thể Omicron đang lây lan ở mức độ chưa từng thấy và dường như có khả năng khiến số ca nhiễm tăng gấp đôi trong vòng từ 1,5 – 3 ngày.

Bên cạnh đó, nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan cho rằng việc xem biến thể Omicron gây bệnh nhẹ là điều “thiếu khôn ngoan”. Chuyên gia này cho biết biến thể Omicron có khả năng né tránh một số phản ứng miễn dịch. Điều này có nghĩa là các mũi tiêm tăng cường ở các nước nên ưu tiên những người có hệ miễn dịch kém.Liên quan diễn biến của Omicron, AFP hôm qua dẫn thông báo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) cho hay Omicron đã vượt qua Delta để trở thành biến thể chiếm ưu thế tại nước này.

Theo đó, Omicron chiếm 73,2% các ca bệnh mới trong vòng 7 ngày tính đến 18.12. Một số khu vực như Tây Bắc Thái Bình Dương, phía nam và Trung Tây ở Mỹ có tỷ lệ lên đến hơn 90%. Một tuần trước đó, tỷ lệ này trên cả nước chỉ ở mức 12,6%. Tại Anh, London đã hủy sự kiện giao thừa dự kiến thu hút 6.500 người tại quảng trường Trafalgar, do lo ngại biến thể Omicron. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay nếu cần, ông sẽ siết các quy định nhằm hạn chế Omicron lây lan, đồng thời thừa nhận tình hình “cực kỳ khó khăn” khi các ca nhập viện tăng mạnh tại London. Pháp cũng đã hủy các sự kiện mừng năm mới tại Paris, trong khi Đức dự kiến sẽ siết quy định về tiệc tùng và đóng cửa các hộp đêm.

Hết dịch vào năm tới ?

Theo ông Tedros, thế giới nên cùng nhau đối phó và đưa ra những lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19. “Năm 2022 phải là thời điểm chúng ta chấm dứt đại dịch”, ông nhấn mạnh và cảnh báo rằng cho dù mức độ nghiêm trọng của Omicron thế nào, “số ca tăng thẳng đứng” có thể khiến hệ thống y tế quá tải và nhiều người tử vong.

WHO nhiều lần lo ngại rằng việc tiêm mũi vắc xin tăng cường sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin giữa nước giàu và nước nghèo, khi nhiều người còn chưa tiêm mũi 1. “Nếu muốn chấm dứt đại dịch trong năm tới, chúng ta phải chấm dứt tình trạng bất bình đẳng”, ông kêu gọi. WHO hy vọng đại dịch sẽ chấm dứt cùng với sự phát triển của các vắc xin thế hệ mới, các liệu pháp điều trị và những phát minh mới.

IMF giãn nợ lần 5 cho các nước nghèo

Hãng AFP ngày 21.12 đưa tin Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa thông qua đợt giãn nợ thứ 5 và cuối cùng trong chương trình nhằm giúp các nước nghèo đối phó đại dịch Covid-19. Đợt giãn nợ này có tổng giá trị lên tới khoảng 115 triệu USD, nằm trong Chương trình Ngăn chặn thảm họa và Ủy thác cứu trợ (CCRT), liên quan các khoản nợ phải trả từ ngày 11.1 – 13.4.2022 của 25 nước thành viên. Tổng giá trị của 5 đợt giãn nợ là khoảng 964 triệu USD.

“Hy vọng sẽ khống chế được Covid-19 thành một căn bệnh khá nhẹ và dễ phòng ngừa, điều trị. Nếu có thể giữ lây nhiễm ở mức tối thiểu, chúng ta có thể chấm dứt đại dịch”, theo ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO. Ở một khía cạnh khác, ông Tedros cho rằng Trung Quốc cần cởi mở hơn về dữ liệu, thông tin liên quan nguồn gốc SARS-CoV-2 nhằm xúc tiến công tác ứng phó đại dịch.

“Chúng ta cần tiếp tục cho đến khi biết được nguồn gốc. Chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa vì chúng ta có thể học hỏi những gì xảy ra lần này để làm tốt hơn trong tương lai”, theo ông Tedros.

 

KHÁNH AN

TNO