18/11/2024

Nỗi ám ảnh chiến tranh trong người dân Ukraine

Nỗi ám ảnh chiến tranh trong người dân Ukraine

Ở khu vực miền Đông Ukraine, nỗi lo về một cuộc xung đột đang chực chờ bùng phát vẫn luẩn quẩn trong tâm trí người dân.

 

 

 

Nỗi ám ảnh chiến tranh trong người dân Ukraine - ảnh 1
Các quân nhân Ukraine trong chiến hào gần thị trấn New York (Novhorodske) ở vùng Donetsk, Ukraine ngày 17.12  REUTERS

Tại một bảo tàng chiến tranh ở thành phố Dnipro của Ukraine, cách khu vực Donetsk bị lực lượng ly khai kiểm soát khoảng 250 km, những băng đạn rỗng, xe bọc thép và biển báo đường đầy mảnh đạn là các hiện vật chiến tranh được trưng bày. Trên tường dán đầy ảnh của những người lính Ukraine đã ngã xuống.

Khi chiến tranh nổ ra 7 năm trước ở miền đông Ukraine, bà Hanna Teryanik đã cùng chồng và bạn bè tình nguyện đưa những binh sĩ bị thương của chính phủ đến bệnh viện.

Bà Teryanik (45 tuổi), hiện là nhà nghiên cứu tại bảo tàng Dnipro, kể lại rằng những binh sĩ chiến đấu chống lại phe ly khai ở miền Đông được trang bị rất kém.

“Khi chúng tôi đến bệnh viện để đón quân nhân, chúng tôi thấy quần họ rách rưới, quân phục cháy xém, ủng chiến đấu bị nát bươm và được dán lại bằng băng keo”, Reuters dẫn lời bà Teryanik cho biết. Hiện tại, bà Teryanik tin rằng họ đã được trang bị chuyên nghiệp và hiện đại hơn.

“Ukraine đã sẵn sàng”

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và quân ly khai chiếm giữ phần lớn miền đông Ukraine, xung đột này đang leo thang thành một cuộc chiến lớn hơn. Ukraine cáo buộc Nga đang tập trung gần 92.000 binh sĩ gần biên giới với nước này.

Nga phủ nhận việc lên kế hoạch tấn công Ukraine và cáo buộc Kiev dàn dựng các hành động khiêu khích. Moscow cũng cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị cố gắng chiếm lại các vùng đất do lực lượng nắm giữ bằng vũ lực. Kiev đã bác bỏ các tuyên bố này.

Nỗi ám ảnh chiến tranh trong người dân Ukraine - ảnh 2
Cờ Ukraine trên cột cờ cao nhất của đất nước này và tượng đài “Tổ quốc” khổng lồ tại một khu bảo tàng Thế chiến II ở Kiev, Ukraine, ngày 16.12  REUTERS

“Với tôi, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Tôi không biết giai đoạn tiếp theo sẽ như thế nào. Giai đoạn này có lẽ còn khốc liệt hơn, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Dmytro Povorotnyi (50 tuổi), tuyên úy quân đội vừa trở về sau một tháng làm việc với lực lượng chính phủ ở miền đông Ukraine, cho biết.

Theo Reuters, lực lượng vũ trang của Ukraine có hơn 200.000 quân nhân, chỉ bằng 1/4 lực lượng của Nga. Tuy nhiên, từ năm 2014, sức mạnh của lực lượng này đã được tăng cường đáng kể nhờ viện trợ quân sự của phương Tây. Ukraine đã được nhận tên lửa chống tăng Javelin từ Mỹ và máy bay không người lái từ Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi đã học cách sử dụng vũ khí – kẻ thù đã dạy chúng tôi sử dụng vũ khí và chiến đấu trong suốt 7 năm qua. Mọi người tự tin và sẵn sàng hoàn thành tất cả nhiệm vụ sẽ được đặt ra cho các lực lượng vũ trang. Người dân cũng sẵn sàng”, ông Povorotnyi nói.

Chiến tranh không phải là chuyện cổ tích

Dnipro, thủ phủ của khu vực có 3,1 triệu dân, được nhiều người Ukraine xem là biểu tượng ổn định ở phía đông khi cuộc xung đột lần đầu tiên nổ ra năm 2014. Các bệnh viện ở Dnipro đã điều trị cho nhiều binh sĩ bị thương. Tỉnh trưởng Dnipropetrovsk vào thời điểm đó, ông Igor Kolomoisky, trao tiền thưởng cho các quân nhân đã bắt giữ “kẻ phá hoại” hoặc giải phóng các tòa nhà công cộng bị chiếm đóng.

Ngày nay, những suy nghĩ về cuộc chiến vẫn luẩn quẩn trong tâm trí người dân khu vực.

“Nếu xung đột leo thang và việc ở lại đây không còn an toàn nữa, tôi rất có thể sẽ rời đi. Tôi không phải chuyên gia quân sự. Tôi không giúp được họ mà ngược lại có thể sẽ còn ngáng đường”, bà Anna Hutor, một cư dân Dnipro, cho biết.

Ngược lại, ông Oleksandr Shabalin nói mình sẽ ở lại và giúp đỡ quân đội Ukraine và làm mọi thứ có thể nếu Nga tấn công.

Nỗi ám ảnh chiến tranh trong người dân Ukraine - ảnh 3
Người dân ăn tối bên bờ sông Dnipro ở Kiev, Ukraine REUTERS

Trong khi đó, nhà nghiên cứu bảo tàng Teryanik cho biết dù có niềm tin vào quân đội Ukraine, bà vẫn lo lắng về công tác chuẩn bị của người dân địa phương.

“Bạn có biết nơi đặt hầm tránh bom trong thành phố không? Tôi không biết. Tôi nghĩ nếu chúng ta hỏi những người đi đường, họ cũng sẽ không biết điều này. Nơi này có rất nhiều trẻ em và người cao tuổi. Họ nên làm gì nếu có chuyện xảy ra?”, bà Teryanik đặt vấn đề.

Nhiều người nghĩ rằng sẽ không có chuyện gì đâu và chiến tranh chỉ là “chuyện cổ tích. Nhưng chúng tôi đã thấy những câu chuyện cổ tích này thành sự thật vào năm 2014”, bà Teryanik nói.

 

ĐÔNG A

TNO