23/12/2024

Nhờ đâu Cuba có tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 dẫn đầu thế giới?

Nhờ đâu Cuba có tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 dẫn đầu thế giới?

Tự phát triển vắc xin giúp Cuba đạt tỷ lệ tiêm hàng đầu thế giới, giúp nước này giảm tỷ lệ nhiễm, tử vong vì Covid-19 và mở cửa trường học, tiếp nhận du khách quốc tế.

 

 

 

Nhờ đâu Cuba có tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 dẫn đầu thế giới? - ảnh 1
Một người được tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 tại Havana, Cuba REUTERS

Hãng Reuters ngày 21.12 đưa tin Cuba đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao hơn hầu hết các nước lớn và giàu nhất trên thế giới, theo số liệu của trang Our World in Data.

Hơn 90% dân số Cuba đã tiêm ít nhất 1 mũi và 83% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, giúp nước này đứng vị trí thứ 2 về tỷ lệ tiêm vắc xin trong số các nước có dân số trên 1 triệu và chỉ xếp sau Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Trong khi nhiều láng giềng và các nền kinh tế đang phát triển trên toàn cầu cạnh tranh nguồn vắc xin do các nước giàu hơn cung cấp, giới chức y tế Cuba đã đạt tiến triển về phát triển vắc xin nội địa.

Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Cuba đã giảm trong vài tuần gần đây xuống dưới mức chưa đến 1% so với lúc cao điểm vào ngày 22.8, khi tỷ lệ tiêm vắc xin đạt chưa đến 50%.

Giờ đây, gần như tất cả những người từ 2-18 tuổi đã được tiêm vắc xin nội địa. Trường học đã mở cửa và khách nước ngoài được chào đón trở lại.

Các bệnh viện và nhà xác từng quá tải vào tháng 8 dường như đang hoạt động ở mức độ bằng với trước khi có đại dịch.

“Đó là một thành tựu đáng kể, so với quy mô của Cuba và còn lệnh cấm vận giới hạn về nhập khẩu do Mỹ áp đặt”, theo ông William Moss, giám đốc Trung tâm tiếp cận vắc xin quốc tế Johns Hopkins (Mỹ).

Cuba cho biết các vắc xin nội địa gồm Abdala, Soberana 02 và Soberan Plus có tỷ lệ bảo vệ đến 90% khỏi bệnh Covid-19 có triệu chứng, khi tiêm đủ 3 mũi.

Các vắc xin này không cần làm lạnh sâu và được giới chức y tế thế giới xem là nguồn cung tiềm năng cho các nước thu nhập thấp ở châu Mỹ La tinh, châu Phi và châu Á. Cuba cũng đang nghiên cứu xem biến thể Omicron, được ghi nhận tại nước này từ ngày 8.12, có ảnh hưởng đến tác dụng của vắc xin hay không.

Ông Vicente Verez, tổng giám đốc Viện vắc xin Finlay phát triển các vắc xin Soberana cho biết các tài liệu và thông tin cần thiết để xem xét các vắc xin này sẽ được nộp lên WHO vào quý 1 năm 2022.

Theo ông, các tiêu chuẩn của WHO khiến Cuba bị chậm lại vì không chỉ đánh giá vắc xin mà còn xem xét cơ sở sản xuất. Ông cho biết Cuba đang đàm phán với Canada và Ý nhằm sản xuất các vắc xin trên tại 2 nước này để xuất khẩu sang các khu vực đang cần, trong đó có châu Phi.

 

KHÁNH AN

TNO