18/11/2024

Kinh nghiệm của các nước có Omicron lây lan mạnh

Kinh nghiệm của các nước có Omicron lây lan mạnh

Giới chuyên môn đưa ra các nhận định về cách đối phó Omicron dựa trên kinh nghiệm của những nước nơi biến thể này lây lan nhanh.

 

 

 

Kinh nghiệm của các nước có Omicron lây lan mạnh - ảnh 1
Một biển khuyến cáo đeo khẩu trang phòng Covid-19 tại London AFP

Chưa đầy một tháng sau khi Nam Phi hôm 24.11 thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Omicron, biến thể này hiện đang lây lan mạnh tại Nam Phi, Anh và Đan Mạch, cũng như xuất hiện tại tổng cộng ít nhất 89 nước.

Anh đang đẩy mạnh tiêm vắc xin với mũi tăng cường trước thời điểm cuối năm cho những người trưởng thành đủ điều kiện. Tại Nam Phi, giới nghiên cứu phân tích dữ liệu sơ bộ cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn, nhưng chưa rõ vai trò của miễn dịch từ vắc xin hay người đã khỏi Covid-19.

Đan Mạch cũng đang cân nhắc siết các quy định phòng dịch nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm. Theo CNN, vấn đề đặt ra là thế giới có thể rút ra bài học gì từ kinh nghiệm của các nước trên trong việc đối phó biến thể Omicron.

Quá trễ để ngăn Omicron xâm nhập

Dù nhiều nước áp dụng các quy định giới hạn về đi lại, biến thể Omicron vẫn lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay “sự thật là Omicron có lẽ đã xuất hiện tại hầu hết các nước, dù có thể chưa phát hiện”.

“Omicron đang lây lan với mức độ chưa từng thấy ở bất cứ biến thể nào trước đó. Chúng tôi lo ngại rằng mọi người cứ nghĩ Omicron là biến thể nhẹ. Chắc chắn giờ đây chúng ta đã học được từ việc đánh giá thấp virus này”, ông nêu rõ.

Theo ông, ngay cả khi Omicron có thể gây bệnh nhẹ, số ca tăng vọt có thể lại làm quá tải những hệ thống y tế chưa chuẩn bị.

Sau khi giới hạn nhập cảnh từ các nước châu Phi, Anh đã xóa 11 nước khỏi danh sách đỏ, nghĩa là người nhập cảnh từ những nước này sẽ không còn phải cách ly bắt buộc tại khách sạn.

Biến thể này cũng đã xuất hiện tại ít nhất 40 tiểu bang ở Mỹ. Chuyên gia Michael Head tại Đại học Southampton (Anh) cho rằng Omicron sẽ sớm xuất hiện khắp nơi. “Và sẽ có nhiều trường hợp các nước chưa phát hiện Omicron đã xuất hiện, một phần do hệ thống xét nghiệm và năng lực phân tích trình tự gien có giới hạn”, ông dự báo.

Sớm vượt trội

Anh phát hiện 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên tại nước này vào ngày 27.11. Đến ngày 14.12, nó đã vượt Delta để trở thành biến thể vượt trội ở London.

“Giờ đây, hơn lúc nào hết, việc tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi tăng cường càng sớm càng tốt là yếu tố sống còn. Làm ơn đừng cho nó cơ hội”, theo giám đốc y tế vùng London Kevin Fenton.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 14.12 cho hay số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi mỗi 2 ngày trên cả nước. Vào ngày 17.12, Anh ghi nhận 93.045 ca nhiễm Covid-19, con số cao nhất kể từ đầu dịch. Nam Phi cũng ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày cao nhất vào ngày 15.12.

Tại Đan Mạch, Viện Huyết thanh Statens dự báo Omicron sẽ trở thành biến thể vượt trội trong tuần này, với gần 10.000 ca nhiễm/ngày.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredricksen cho rằng số ca nhiễm rất cao nên “không có gì nghi ngờ rằng các biện pháp mới sẽ cần thiết để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm”.

Chưa chắc Omicron gây bệnh nhẹ

Dữ liệu từ Nam Phi đang được xem xét vì nó có thể cho thấy khả năng biến thể Omicron lây nhiễm tại các nước khác.

Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi tỏ ra lạc quan nhưng thận trọng: “Dù dữ liệu đang được thu thập, chứng cứ cho thấy làn sóng hiện tại có thể nhẹ hơn”.

Nghiên cứu của công ty bảo hiểm y tế Discovery Health ở Nam Phi cho thấy vắc xin giảm hiệu quả với biến thể mới, nhưng có dấu hiệu cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước.

Theo đó, 2 liều vắc xin Pfizer có tỷ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm là 33% và khỏi biến chứng nặng và nhập viện là 70%.

Tuy nhiên, quan chức y tế trưởng Anh Chris Whitty cảnh báo rằng số ca nhiễm hằng ngày ở nước này sẽ tăng cao và nhiều người sẽ phải nhập viện trong vài tuần tới.

Vắc xin thôi là chưa đủ

Theo CNN, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng các nước nên đối phó Omicron bằng cách áp dụng các biện pháp can thiệp phi dược phẩm (NPI) đã biết về giảm nguy cơ lây nhiễm virus như SARS-CoV-2, chẳng hạn như giữ môi trường trong nhà thông thoáng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Tổng giám đốc WHO Tedros đã nhấn mạnh rằng không thể dùng vắc xin để thay thế khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay… mà phải áp dụng tất cả các biện pháp.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi vắc xin tăng cường và Quốc hội Anh song song đó đã chứng nhận việc áp dụng thẻ xanh Covid-19 cùng quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại nhiều nơi. Tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla kêu gọi mọi người “có trách nhiệm và tuân thủ nghiêm” các quy định về Covid-19 nhằm đề phòng các ca nhiễm tăng vọt vào kỳ nghỉ lễ.

 

KHÁNH AN

TNO