18/11/2024

Mỗi địa phương đừng là mảnh ghép

Mỗi địa phương đừng là mảnh ghép

Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kéo giảm chi phí logistics, vùng TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết chặt chẽ hơn, thực chất hơn thay vì mỗi năm gặp nhau một vài lần rồi “mạnh ai nấy làm”.

 

Mỗi địa phương đừng là mảnh ghép - Ảnh 1.

Những gian hàng khởi nghiệp trong nông nghiệp thu hút các đại biểu tham quan tìm hiểu Ảnh: NHẬT THỊNH

Đó là ý kiến được nhiều lãnh đạo các địa phương, chuyên gia đưa ra tại diễn đàn “Liên kết phát triển TP.HCM và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long” (Mekong Connect 2021), được tổ chức ở TP.HCM vào ngày 17-12.

Điểm nghẽn của ĐBSCL

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Vina T&T, cho biết giá vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu đang được nông dân ĐBSCL bán ra 40.000 đồng/kg nhưng giá bán tại Mỹ lên đến 500.000 đồng/kg.

Khoản chênh lệch rất lớn này chủ yếu do chi phí logistics. Giá cước quá cao cả đường biển lẫn đường hàng không, thậm chí xuất khẩu bằng đường hàng không cũng khó.

Bởi các hãng hàng không quốc tế chỉ cho Việt Nam vận chuyển khoảng 10 tấn trái cây tươi mỗi tuần, trong khi nhu cầu hàng ngàn tấn. Với đường biển, các doanh nghiệp vận tải không muốn nhận vì rủi ro cao.

“Chúng tôi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khách hàng do các vấn đề logistics, phần còn lại phải đem vào cấp đông hoặc chế biến”, ông Tùng cho biết.

Theo bà Đỗ Thu Hường, phó tổng giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản và trái cây xuất khẩu nhưng hạ tầng giao thông cả đường bộ và đường thủy của khu vực này chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế, thậm chí làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Bởi đường bộ vừa thiếu vừa không đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tàu lớn không thể di chuyển được bằng đường thủy.

“Vấn đề này đã được nói nhiều, nhưng vẫn cần phải nhắc lại là phải có chính sách hoàn thiện hạ tầng đường bộ và đường thủy tại khu vực này. Nên thu hút các nhà đầu tư logistics quốc tế về Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư hệ thống kho lạnh đang rất thiếu.

Nếu Đồng bằng sông Cửu Long có cơ chế thu hút nhà đầu tư lớn để phát triển logistics là cơ hội tạo ra giá trị, tạo ra cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở khu vực này”, bà Hường nói.

Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho biết dù xuất khẩu rất nhiều nông sản Đồng bằng sông Cửu Long nhưng công ty chưa xây dựng nhà máy tại Đồng bằng sông Cửu Long do giao thông gặp khó khăn, chưa kể các thủ tục giấy phép.

“Gạo Việt Nam rất nhiều, tại sao xuất khẩu gạo phải có giấy phép? Chúng tôi muốn xây dựng nhà máy chế biến gạo cao cấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, mua lúa của nông dân với giá cao nhưng chưa thể làm được với các điều kiện như thế”, ông Thông cho hay.

Mỗi địa phương đừng là mảnh ghép - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Hoan (giữa), phó chủ tịch UBND TP.HCM, tham quan gian hàng của Đồng Tháp tại diễn đàn

Đừng bàn rồi “mạnh ai nấy làm”

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết khu vực TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về phát triển thị trường… nhưng cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa.

“Cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của vùng…”, ông Mãi nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng vấn đề liên kết vùng TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long đã nói hơn 15 năm rồi, ai cũng thấy cần làm nhưng họp xong “ai về nhà nấy, cơm ai nấy ăn, việc ai ấy làm”, cứ nói rồi không làm.

“Cần cụ thể cần làm gì, năm sau tổng kết lại xem đi được bao nhiêu, chứ không nói chung chung nữa. Cứ làm đi để trung ương thấy vai trò của vùng đất này với đất nước như thế nào mà đầu tư chưa tương xứng”, ông Dưỡng đề xuất.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, quan trọng nhất vẫn là liên kết thị trường mà hạt nhân là các doanh nghiệp thay vì các lãnh đạo địa phương gặp nhau mỗi năm vài lần rồi lại quay về cách làm cũ. Trong đó, doanh nghiệp là trung tâm của liên kết với sự bổ trợ là hệ thống thông tin, hạ tầng, giao thông…

Chia sẻ về vai trò liên kết, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết đa số các chuỗi liên kết ở Đồng bằng sông Cửu Long là rời rạc, khâu nào cũng muốn lời khiến sản phẩm nông dân làm ra bán giá rẻ mà giá xuất khẩu lại rất cao, khó cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp cần phải liên kết trực tiếp với nông dân, giải quyết khó khăn với nông dân thì chuỗi mới bền vững.

“Ví dụ như chúng tôi hợp tác với nông dân trồng nhãn, nông dân hỏi doanh nghiệp chỉ lấy loại 1 xuất khẩu, còn loại 2 loại 3 thì bán đi đâu. Đó là thắc mắc thực tế và chính đáng của nông dân. Chúng tôi phải liên kết với chợ đầu mối để tiêu thụ nhãn loại 2, liên kết doanh nghiệp sấy để tiêu thụ nhãn loại 3. Vì vậy mà HTX phát triển ổn định đến nay”, ông Tùng chia sẻ.

* Ông Lê Minh Hoan (bộ trưởng Bộ NN&PTNT):

Tư duy liên kết, hợp tác là mấu chốt

Đồng bằng sông Cửu Long không phát triển có phải chỉ do hạ tầng không? Tôi đã cố gắng tự thuyết phục tôi như vậy, nhưng có lẽ không phải. Tư duy liên kết, tư duy hợp tác mới là mấu chốt. Hạ tầng là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long là 13 mảnh ghép, mảnh ghép của 20 triệu người, nên mọi việc sẽ luôn khó khăn vất vả.

Tư duy hợp tác liên kết vùng đã nói 20 năm nay rồi, nhưng chưa thể thay đổi. Từ thực tiễn sinh động ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi mong các doanh nghiệp, các chuyên gia bằng các mô hình, bằng sự hợp tác công tư đóng góp ý tưởng, đóng góp sáng kiến với các mô hình cũng như hoạt động thực tiễn của mình để làm sao mà 20 năm nữa chúng ta sẽ có một Đồng bằng sông Cửu Long mang thương hiệu thế giới.

 

TRẦN VŨ NGHI – TRẦN MẠNH
TTO