Vụ bé trai lớp 6 nhảy từ tầng 22 chung cư xuống tử vong: Sao chỉ biết giật mình?
Vụ bé trai lớp 6 nhảy từ tầng 22 chung cư xuống tử vong: Sao chỉ biết giật mình?
Bé trai lớp 6 tại một chung cư ở Hà Nội nhảy lầu tự tử khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh giật mình.
Tối qua 16.12, vào lúc 21 giờ, người dân sống tại chung cư Goldmark City (Hà Nội) phát hiện một bé trai nằm bất động. Theo đại diện ban quản trị chung cư, nạn nhân là bé trai 12 tuổi tên T.T.D. Gia đình nạn nhân cho biết, D. đang học lớp 6. Do áp lực về việc học tập, tối 16.12 làm bài thi không tốt nên D. đã nhảy từ tầng 22 xuống.
Cháu bé tử vong trước khi xe cứu thương đến CTV |
Bao giờ người lớn mới nhận ra và thay đổi?
Sự việc trên đã khiến các bậc phụ huynh giật mình lo sợ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu mà trước đó, có không ít học sinh đã hành động tiêu cực do áp lực học tập từ trường lớp, gia đình.
Anh Hoàng Anh Tú, phụ huynh có con học tại Trường Vinschool (Hà Nội), bày tỏ: “Câu chuyện thương tâm của cậu bé lớp 6 này sẽ lại tiếp tục khiến những bậc cha mẹ phải giật mình. Nhưng phải đến bao giờ người lớn mới nhận ra và thay đổi? Nếu chỉ giật mình rồi lại… quên đi, thì những sự việc tương tự có thể sẽ còn xảy ra”.
“Có bao nhiêu cha mẹ nói ‘Tôi không bao giờ tạo áp lực học tập cho con’ nhưng lại tự hào khoe điểm 10 của con trên mạng xã hội, ‘Tôi có thể cho con lưu ban, học lại chứ không mạo hiểm cho con đến trường trong tình hình dịch bệnh thế này’ nhưng vẫn quát mắng con liên tục khi con học trực tuyến mà không tập trung, bị cô giáo nhắc nhở hay học mà ngáp ngắn ngáp dài, chơi game ‘chui’?”, anh Tú nêu.
Theo anh Hoàng Anh Tú, bài vở, kiến thức ngày càng nặng hơn, nhiều hơn. “Sách giáo khoa lớp 6 của cách đây vài chục năm so với sách giáo khoa lớp 6 bây giờ khác nhau rất nhiều. Học sinh ngày nay bị nhiều áp lực hơn. Chưa kể dịch Covid-19 khiến các con phải học trực tuyến. Dù các nhà sư phạm đưa ra hàng trăm cách giúp trẻ thư giãn, vận động nhưng áp lực vẫn là không đổi do tương tác xã hội không có. Nhiều trường, lớp dù dạy và học trực tuyến yêu cầu vẫn như học trực tiếp, trong khi việc tập trung khi học trực tuyến của trẻ em là có giới hạn”, anh Tú nhìn nhận.
Học trực tuyến nhưng phải đảm bảo kết quả như học trực tiếp cũng khiến học sinh gặp phải áp lực N.L |
“Công việc của tôi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ. Nhiều học trò tâm sự rằng con phải nỗ lực điên cuồng vì sợ ánh mắt thất vọng của bố, của mẹ. Con chỉ 9 điểm thôi cũng không được vì thế nào bố mẹ cũng hỏi: ‘Thế trong lớp ai điểm 10? Tại sao con thua bạn ấy?’. Dù câu hỏi là cố ý hay vô tình thì đứa trẻ đều nghĩ bố mẹ đang thất vọng về mình nên nếu không đạt được mong muốn của bố mẹ, chúng sẽ rất sợ hãi, lo lắng mình không trở thành niềm tự hào của cha mẹ và dại dột chọn cái chết”, anh Tú chia sẻ.
Nguyễn Thị Lệ Nhung, sinh viên năm cuối ngành sư phạm toán học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng kể lại: “Tôi làm gia sư cho một bé lớp 7. Bé kể với tôi là từ năm lớp 2 ba mẹ đã ép học tiếng Anh, toán để hết tiểu học thi vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Khi bé thi không đậu, ba mẹ đã nói những câu như ‘Sao con làm ba mẹ thất vọng quá vậy’, ‘Ba mẹ đã đầu tư cho con nhiều như thế mà con thi cử kiểu gì’… Nay ba mẹ bé lại có mong muốn THPT con phải đậu Trường Phổ thông năng khiếu hoặc ít nhất là Nguyễn Thượng Hiền nên cho bé học thêm rất nhiều”.
Nhung cho biết học sinh của mình học trực tuyến các môn trên lớp xong lại tiếp tục học trực tuyến với gia sư nên thường mệt mỏi, mất tập trung.
Cuộc sống cần nhiều phẩm chất khác hơn điểm số
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, nhìn nhận: “Tình trạng trên đang ngày càng trở nên đáng báo động, nhất là trong tình hình dịch bệnh khi việc tiếp thu kiến thức của các con cũng bị ảnh hưởng. Nhiều phụ huynh đang tạo ra áp lực rất lớn cho các con trong học tập. Đó là một trong những nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của các con”.
“Chúng ta cần đặt bản thân vào vị trí của các em nhiều hơn để thấu hiểu. Tôi cũng mong rằng các cha mẹ sẽ quan tâm tới tâm lý con cái nhiều hơn. Đừng để áp lực học hành gây ra những chuyện đáng tiếc như vậy”, thầy Tuấn chia sẻ.
Ở góc độ xã hội học và tâm lý, thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin: “Trong các nghiên cứu về vấn đề tự tử thanh thiếu niên ở Việt Nam, phần lớn các em có ý định tự tử lại là những em sống chung với cha mẹ hoặc người thân. Đây là điều khá bất ngờ vì cha mẹ và người thân thường được cho là chỗ dựa cho con cái, nhưng cũng chính cha mẹ là nguyên nhân khiến con trẻ dễ đi đến ý định tự tử vì những kỳ vọng quá lớn mà cha mẹ áp đặt lên con cái”.
Thạc sĩ Tiến cho rằng thành tích học tập không phải là yếu tố quyết định mà cuộc sống cần nhiều phẩm chất khác hơn chứ không chỉ có điểm số trong các kỳ thi.
“Ngoài ra, các nghiên cứu đã cho thấy có nhiều loại trí thông minh khác nhau. Điểm số thấp trong các môn như toán, lý, hóa… không có nghĩa là các em kém thông minh bởi các em có thể thông minh ở những lãnh vực khác. Do đó, giáo dục lấy học sinh, con cái làm trung tâm là phải nhận ra và phát huy các năng lực riêng của các em chứ không thể ‘đồng phục hóa’ trí tuệ các em bằng các môn học gọi là môn chính trong trường học”, thạc sĩ Tiến nêu quan điểm sau vụ việc bé trai lớp 6 tự tử.
MỸ QUYÊN
TNO