23/01/2025

Nga nêu 8 điều kiện giảm căng thẳng với phương Tây

Nga nêu 8 điều kiện giảm căng thẳng với phương Tây

Một trong các yêu cầu của Matxcơva là NATO cam kết không kết nạp Ukraine và không mở rộng về phía đông nếu không muốn đối mặt các phản ứng quân sự tương tự Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

 

Nga nêu 8 điều kiện giảm căng thẳng với phương Tây - Ảnh 1.

Căng thẳng Nga và phương Tây vì vấn đề Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden – Ảnh: REUTERS

Đây là lần đầu tiên Nga nêu chi tiết các yêu cầu của mình sau nhiều tháng căng thẳng với Ukraine và phương Tây, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dự thảo thỏa thuận 8 điểm mà Bộ Ngoại giao Nga công bố ngày 17-12 gồm phần lớn các vấn đề liên quan đến an ninh. Nổi bật nhất là yêu cầu NATO cam kết “tự kiềm chế không mở rộng về phía đông, bao gồm kết nạp Ukraine và thêm các nước khác”, theo Hãng tin Reuters.

Một số yêu cầu khác ám chỉ việc loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu và rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan cũng như các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania từng thuộc Liên Xô (cũ).

Matxcơva cũng yêu cầu Washington không tổ chức các cuộc tập trận ở Ukraine, Đông Âu, các nước vùng Caucasus như Georgia hoặc ở Trung Á mà không có sự đồng ý trước của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga đã sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán an ninh với Mỹ sớm nhất ngay trong hôm nay 18-12.

“Chúng tôi đã sẵn sàng ngay lập tức, ngay ngày mai cũng được. Tôi nói ngày mai đúng theo nghĩa đen là ngày thứ bảy 18-12. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Mỹ ở nước thứ ba”, ông Ryabkov phát biểu ngày 17-12, đồng thời đề xuất Geneva (Thụy Sĩ) làm địa điểm họp.

Nga nêu 8 điều kiện giảm căng thẳng với phương Tây - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine đi tuần tại vùng Donetsk thuộc miền đông Ukraine ngày 17-12 – Ảnh: REUTERS

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Jake Sullivan, cho biết Washington đã “chuẩn bị cơ bản cho đối thoại” và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu.

“Nga đã đặt lên bàn những quan ngại của mình với các hoạt động của Mỹ và NATO. Chúng tôi sẽ đưa ra những quan ngại của mình với các hoạt động của Nga mà chúng tôi cho là gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của chúng tôi”, ông Sullivan nói về cái mà ông gọi là “có đi có lại trong đối thoại”.

Theo Hãng tin Reuters và AFP, không khó hiểu khi các yêu cầu của Nga vấp phải sự phản đối ngay lập tức từ NATO và Mỹ.

“Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp các nguyên tắc chính mà nền an ninh châu Âu được xây dựng. Điều đó bao gồm việc tất cả các quốc gia có quyền tự quyết định tương lai và chính sách đối ngoại của mình mà không bị can thiệp từ bên ngoài”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố ngày 17-12.

Một số nhà phân tích chính trị phương Tây cho rằng Nga cố tình đưa ra những yêu cầu phi thực tế để gây sao nhãng về mặt ngoại giao trong khi duy trì sức ép quân sự đối với Ukraine.

“Đây không phải là một hiệp ước. Đây là một tuyên bố của Nga”, giáo sư chính trị Sam Greene thuộc King’s College London (Anh) nói về việc Nga đang nói rõ đâu là những vùng phương Tây cần tránh xa.

Căng thẳng Nga và NATO do Mỹ dẫn dắt leo thang khi Ukraine, một nước thuộc Liên Xô (cũ), tố Matxcơva dồn quân về biên giới chuẩn bị xâm lược nước này. Quan hệ Nga và phương Tây, vốn đã ở mức tệ từ sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, vì thế càng trượt dốc.

BẢO DUY
TTO