EU đặt mua 180 triệu liều vắc xin phiên bản hiệu chỉnh chống biến thể Omicron
EU đặt mua 180 triệu liều vắc xin phiên bản hiệu chỉnh chống biến thể Omicron
Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đặt hơn 180 triệu liều vắc xin phiên bản hiệu chỉnh chống biến thể Omicron do Pfizer/BioNTech phát triển.
“Các quốc gia thành viên đã nhất trí việc chuyển giao đợt đầu hơn 180 triệu liều vắc xin bổ sung đã được hiệu chỉnh, trong hợp đồng thứ 3 của chúng tôi với BioNTech/Pfizer”, Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói sau cuộc Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 16-12.
Theo hợp đồng mới nhất của EU với 2 hãng dược này, EU sẽ được mua 1,8 tỉ liều vắc xin từ nay đến năm 2023. EU đến nay chỉ mới đặt mua một nửa số lượng này.
Pfizer và BioNTech đã phát triển phiên bản vắc xin chống biến thể Omicron từ 25-11 và cho biết sẽ có hàng vào tháng 3-2022. Theo người phát ngôn EC, đơn hàng vắc xin này sẽ được giao vào quý 2-2022, khi đó có thể nó đã được cấp phép.
Đến nay, vẫn còn nhiều khác biệt trong các dữ liệu và nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin đối với biến thể mới.
Ngày 15-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vắc xin hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm của EU cho rằng tại thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy cần hiệu chỉnh các công thức vắc xin hiện có để chống lại biến thể Omicron.
Phân tích của nhà dịch tễ học Mỹ Anthony Fauci và các đồng nghiệp chỉ ra rằng các vắc xin hiện tại có thể ngăn các ca mắc bệnh nặng do biến thể mới. Trong khi đó, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học Washington và Hãng dược Thụy Sĩ Humabs Biomed SA trên 6 loại vắc xin cho thấy 3 loại Sinopharm, Johnson & Johnson, Sputnik tạo ra rất ít hoặc không có kháng thể nào chống lại Omicron.
Ngày 17-12, Nga dẫn nghiên cứu ban đầu của mình khẳng định vắc xin Sputnik V ngăn được nguy cơ bệnh nặng và nhập viện do biến thể Omicron. Theo nghiên cứu này, khi bổ sung thêm liều vắc xin Sputnik Light, hiệu quả có thể lên đến 80%.