23/12/2024

Điệp khúc ‘nghẽn ở cửa khẩu’

Điệp khúc ‘nghẽn ở cửa khẩu’

Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu đã trở thành điệp khúc, đến hẹn lại ‘hát’. Bài toán cũ chưa có lời giải, vẫn là câu hỏi: ‘Bao giờ hàng thôi nghẽn ở cửa khẩu’?

 

Điệp khúc nghẽn ở cửa khẩu - Ảnh 1.

Cả nghìn xe chở nông sản chờ thông quan ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) giữa tháng 12 – Ảnh: TÙNG ĐINH

Hàng ngàn xe tải hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: Nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, chuẩn bị hàng Tết. Phía Trung Quốc tạm dừng thông quan ở cửa khẩu địa phương đẩy hàng hóa về các cửa khẩu chính trong khi nhân lực, phương tiện vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu thiếu…

Nhưng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu đâu phải mới xảy ra. Nhiều năm qua từng có gạo, dưa hấu, khoai lang, trái cây… ùn ứ vào dịp gần Tết hoặc khi nước bạn “chuyển trạng thái” thông quan.

Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu đã trở thành điệp khúc, đến hẹn lại “hát”. Bài toán cũ chưa có lời giải, vẫn là câu hỏi: “Bao giờ hàng thôi nghẽn ở cửa khẩu”?

Giải pháp? Có, rất nhiều. Các bộ quản lý khuyến cáo địa phương lên phương án cân đối, chủ động bảo quản nông sản tại các kho lạnh; khuyến nghị doanh nghiệp chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu. Và quan trọng nhất là doanh nghiệp phải chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu theo đường chính ngạch, mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính… Vậy mà…!

Để chữa chứng “nghẽn ở cửa khẩu” đâu chỉ cần liều thuốc trước mắt, ngắn hạn như trên mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.

Điều khó hiểu là chúng ta đã xuất khẩu nhiều tỉ đôla nông sản đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới, tất cả đều theo hợp đồng, xuất chính ngạch với các tiêu chuẩn cao về chất lượng, giao nhận, thanh toán… Vậy mà với xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, năm nào cũng phải lặp lại điệp khúc “nghẽn ở cửa khẩu”.

Không thể đổ hết cho COVID-19. Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu hiện nay là chỉ dấu, một hiệu ứng dây chuyền tất yếu, một triệu chứng của bất cập sản xuất – tiêu thụ hàng hóa. Nông nghiệp bị đứt gãy kết nối với công nghiệp chế biến và tiêu thụ với các chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics cơ bản yếu kém đã lộ diện từ nhiều năm qua.

Cũng cần chấm dứt tình trạng cứ mỗi lần rừng xe tải nằm ở cửa khẩu, vấn đề thay đổi, cơ cấu lại khâu sản xuất, thương mại được nêu ra, rồi mùa sau lại được nhắc đến. Chưa có nhiều tín hiệu thay đổi. Do vậy, cần phải có “nhạc trưởng”, hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, đặc biệt là chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và ngành kinh tế tích hợp công thương.

Đó phải là cuộc chuyển đổi về chất. Nông dân thậm chí phải thay đổi lối canh tác truyền thống, phải biết trồng cây trái vụ, tránh “đụng hàng” với nước bạn. Rồi khâu thương mại phải làm chuyên nghiệp, mua bán theo hợp đồng, phải có kho bảo quản, tạm trữ, chế biến…

Câu hỏi: “Bao giờ các cửa khẩu thôi mắc nghẹn?” có thể chưa được giải quyết ngay nhưng cần kê toa, định ra phác đồ điều trị.

Phải xem hàng ngàn xe hàng hóa ùn tắc ở cửa khẩu là căn bệnh cần được ngành nông nghiệp, công thương trị dứt điểm. Thậm chí phải đưa ra lộ trình đến ngày nào đó phải chấm dứt ca điệp khúc “nghẽn ở cửa khẩu”.

Không thể chờ được nữa, vì đó là khiếm khuyết của thành quả xuất khẩu trên 300 tỉ USD hàng hóa ra thế giới.

TRẦN HỮU HIỆP
TTO