Đuối sức vì dịch, doanh nghiệp ‘tháo chạy’ khỏi trung tâm thương mại
Đuối sức vì dịch, doanh nghiệp ‘tháo chạy’ khỏi trung tâm thương mại
Các shop đóng cửa, hàng quán chưa tháo rèm, thậm chí ‘tháo chạy’ khi trả mặt bằng, dứt hợp đồng… khiến không ít trung tâm thương mại ở TP.HCM phục hồi chậm, thậm chí có nơi còn phải chuyển sang cho thuê văn phòng thay vì mặt bằng kinh doanh.
Nhiều trung tâm thương mại ở TP.HCM đã nỗ lực giữ chân các khách hàng thuê mặt bằng, kéo người tiêu dùng đến mua sắm thông qua nhiều chương trình ưu đãi liên tục từ thời điểm TP mở cửa cho đến nay.
Tuy nhiên, có nơi dần xôm tụ, có nơi lại vắng vẻ khiến cho sự phục hồi của các trung tâm chưa đồng đều.
Nơi phục hồi chậm, nơi hàng quán còn “nghỉ dịch”
Vào cuối tuần, các trung tâm thương mại ở các quận trung tâm TP.HCM và khu vực TP Thủ Đức, quận 7… có lượng người dân đến mua sắm đông dần, nhất là vào các khung giờ cao điểm, song so với thời điểm mùa khuyến mãi này vào năm ngoái thì lượng khách hiện tại vẫn khá “khiêm tốn”.
Do đó, nhiều cửa hàng thời trang, dịch vụ bên trong các trung tâm thương mại dù đã tung các chương trình khuyến mãi lớn, lượng người mua sắm vào các giờ cao điểm vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Đáng chú ý, không ít trung tâm thương mại chỉ lác đác khách đến mua sắm, thậm chí nhiều hàng quán, cửa hàng thời trang trong các trung tâm này vẫn phủ rèm “nghỉ dịch”.
Tại một trung tâm thương mại lớn trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), những khu vực dành cho ẩm thực vẫn chưa “sáng đèn”, các quầy bán thức ăn, nước uống và khu nhà hàng vẫn còn đóng cửa.
Các nhân viên tại đây cho hay từ sau dịch, các dịch vụ ăn uống này vẫn tiếp tục “nghỉ dịch” dù trung tâm đã tái hoạt động, những dịch vụ khác đã mở cửa đón khách.
Tương tự, tại một trung tâm thương mại ở quận Bình Thạnh, nhiều thương hiệu kinh doanh nhiều năm tại đây đã không còn, khung cảnh mua sắm nhộn nhịp ngày nào giờ chỉ là những mặt bằng trống trơn. Trong khi đó, khu vực sảnh của trung tâm này, một số cửa hàng đến nay vẫn chưa bày bán trở lại.
Còn tại các trung tâm thương mại khác ở khu vực trung tâm TP, dù lượng khách đã phục hồi, số lượng shop đã tái hoạt động lớn, song nhiều doanh nghiệp cho hay sức phục hồi vẫn còn chậm trong khi đây là thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm.
“Tháo chạy” khỏi trung tâm thương mại
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-12, đại diện một doanh nghiệp trong ngành ẩm thực hiện có mặt bằng ở nhiều trung tâm thương mại cho hay sự phục hồi doanh số chậm, thậm chí lỗ khiến doanh nghiệp này buộc phải tính toán lại các mặt bằng hiện hữu.
Cụ thể, doanh nghiệp này đang đàm phán để trả lại mặt bằng bên trong trung tâm thương mại ở TP Thủ Đức bởi doanh thu không bù nổi chi phí, trong đó riêng chi phí mặt bằng đã hơn 100 triệu đồng/tháng. Mức giá thuê mặt bằng hiện ở mức trên 1 triệu đồng mỗi m².
Theo vị này, hiện trả mặt bằng sẽ mất cọc 3 tháng và vẫn phải thanh toán chi phí thuê mỗi tháng cho tất cả các tháng còn lại khi trả mặt bằng trước thời hạn, điều này gây thiệt hại cho bên thuê nên phía doanh nghiệp đang còn đàm phán.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cho hay do thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại lớn thường thông qua chủ đầu tư hoặc các công ty khai thác quốc tế nên có nhiều ràng buộc, việc thương thảo khá khó khăn nên doanh nghiệp này cũng tính toán để đưa cửa hàng ra bên ngoài bởi về cơ bản giá mặt bằng tương đương nhau.
Miễn, giảm tiền thuê vẫn trống mặt bằng
Đại diện trung tâm thương mại P. thừa nhận đã xảy ra làn sóng trả mặt bằng, dẫn đến trống nhiều vị trí trong trung tâm dù giá mặt bằng thời điểm này đã giảm ở mức chỉ từ 25-35 USD/tháng, chưa tính phí quản lý và VAT.
Thay vì cho thuê tối thiểu 3-5 năm, hiện trung tâm này vẫn sẵn sàng đàm phán để cho thuê thời hạn ngắn, thậm chí 1 năm và duy trì mức giảm giá thuê trong những tháng đầu song đến nay vẫn còn trống các mặt bằng ngay ở những vị trí đẹp. Với những mặt bằng đã tới hạn tái ký hợp đồng, phía trung tâm này cũng đưa ra nhiều ưu đãi nhưng cũng không giữ được doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh tại trung tâm.
“Thời điểm dịch chúng tôi đã miễn phí 100% tiền thuê, sau đó tiếp tục giảm 50% tiền thuê nhưng dịch tác động quá mạnh khiến nhiều doanh nghiệp không tái ký hợp đồng, buộc lòng chúng tôi phải chuyển đổi để chuyển sang cho thuê làm văn phòng trên vị trí trước đây cho thuê kinh doanh” – vị này nói.