23/01/2025

Các cựu lãnh đạo Bình Dương ‘thoát ly tài sản nhà nước’ gây thiệt hại ngàn tỉ

Các cựu lãnh đạo Bình Dương ‘thoát ly tài sản nhà nước’ gây thiệt hại ngàn tỉ

Cơ quan Cảnh sát điều tra cho rằng các bị can Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương… biết rõ việc Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng đất trái quy định nhưng vẫn “thoát ly toàn bộ quyền quản lý tài sản”, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

 

 

Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) và một số đơn vị liên quan. Đồng thời, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 24 bị can có liên quan.

Các cựu lãnh đạo Bình Dương 'thoát ly tài sản nhà nước' gây thiệt hại ngàn tỉ - ảnh 1
Bên trong và bên ngoài khu đất “vàng” 43 ha được bán với giá “bèo” ĐỖ TRƯỜNG

Trong số này, có các bị can từng giữ chức vụ cao nhất của tỉnh Bình Dương như: Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh… Ngoài ra, nhiều bị can khác là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bình Dương và các công ty, cùng bị đề nghị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.

Xác định lại giá trị thiệt hại trong vụ án

Vụ sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Bình Dương, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Bình Dương, được công an tỉnh này phát hiện, khởi tố từ năm 2019, đến năm 2020 chuyển sang C03 điều tra theo thẩm quyền. Từ tháng 8.2021, C03 đã ban hành kết luận điều tra nhưng Viện KSND tối cao sau đó đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Quá trình điều tra bổ sung đã xác định thiệt hại trong vụ án này là hơn 1.950 tỉ đồng, gồm việc chuyển nhượng tài sản trái pháp luật tại khu đất 43 ha thuộc P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một; và việc “bỏ quên tài sản” là 145 ha đất khi định giá cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương. So với kết luận điều tra trước đây, con số thiệt hại trong vụ án được xác định tăng thêm gần 500 tỉ đồng.

Cụ thể, năm 2010, mặc dù UBND tỉnh Bình Dương chưa có quyết định giao khu đất 43 ha cho Tổng công ty Bình Dương, nhưng qua sự trao đổi, thống nhất của Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương, Nguyễn Đại Dương (con rể ông Nguyễn Văn Minh) đã chủ động kêu gọi bạn bè góp vốn thành lập Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc). Sau đó, Công ty Âu Lạc ký hợp đồng liên danh với Tổng công ty Bình Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha nêu trên.

Năm 2015, khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị can Nguyễn Văn Minh đã báo cáo Tỉnh ủy Bình Dương về phương án sử dụng đất, trong đó khu đất 43 ha và phần vốn góp Tổng công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú sẽ bàn giao về cho một doanh nghiệp nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương sở hữu. Tỉnh ủy Bình Dương khi đó đã thống nhất theo chủ trương này.

Năm 2016, bại can Nguyễn Văn Minh họp HĐTV Tổng công ty Bình Dương và thống nhất chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú với mức giá hơn 250 tỉ đồng (khoảng 570.000 đồng/m2). Tiếp đó, bị can Nguyễn Văn Minh và con rể tiếp tục chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, trong khi nhà nước có 30% vốn góp tại đây.

Với diễn biến nêu trên, theo C03, đã đủ cơ sở kết luận bị can Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đại Dương và các đồng phạm tại Tổng công ty Bình Dương thực hiện hành vi cố ý làm trái nội dung phê duyệt của Tỉnh ủy Bình Dương để chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha sang Công ty Âu Lạc, tại thời điểm chuyển nhượng là hơn 552 tỉ đồng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 302 tỉ đồng.

“Thoát ly tài sản nhà nước”

Cơ quan điều tra xác định, các bị can Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh… biết rõ Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha nhưng không chỉ đạo hủy hợp đồng chuyển nhượng. Mặt khác, ông Trần Văn Nam còn đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương được tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, tạo điều kiện để ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn tất việc chuyển toàn bộ quyền quản lý của nhà nước tại khu đất 43 ha sang tư nhân. “Như vậy, đồng nghĩa với việc Tỉnh ủy Bình Dương thoát ly toàn bộ quyền quản lý tài sản tại khu đất 43 ha. Sau đó, các bị can tiếp tục chỉ đạo và thực hiện và lập khống các văn bản để che giấu sai phạm. Hành vi nêu trên của các bị can Trần Văn Nam và đồng phạm không tách rời hành vi của ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm – phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây thất thoát cho nhà nước hơn 302 tỉ đồng”, C03 xác định.

Bên cạnh đó, kết luận điều tra bổ sung cũng cho biết đối với sai phạm trong việc không xác định giá trị quyền sử dụng khu đất 145 ha vào giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty Bình Dương khi tiến hành cổ phần hóa của bị can Nguyễn Văn Minh và đồng phạm đã gây thiệt hại số tiền hơn 1.648 tỉ đồng.

Cũng tại thời điểm năm 2015, theo các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì Tổng công ty Bình Dương phải lập, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp. Thời điểm cổ phần hóa, doanh nghiệp này đang quản lý sử dụng tổng số 72 khu đất, chủ yếu sẽ được chuyển về Công ty Impco (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu), chỉ giữ lại để đưa vào cổ phần hóa (tức chuyển giao cho Tổng công ty Bình Dương sau khi chuyển thể thành công ty cổ phần) 5 khu đất với tổng diện tích hơn 2,55 triệu m2 (trong đó có khu đất 145 ha) để tiếp tục thực hiện các dự án đã đầu tư. Quá trình cổ phần hóa, thay vì phân loại, sắp xếp khu đất 145 ha vào mục “Tài sản đang dùng”, bị can Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo cấp dưới và các bị can liên quan vụ án chuyển khu đất 145 ha sang mục “Tài sản chờ thanh lý” mà không tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp. Việc làm trái pháp luật này đã được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương khi đó thông qua.

Kết luận giám định của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Dương xác định, giá trị quyền sử dụng 145 ha đất tại thời điểm tháng 6.2017 là hơn 2.000 tỉ đồng, nhưng trên thực tế đã được Tổng công ty Bình Dương đưa vào báo cáo tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa với giá trị hơn 139 tỉ đồng. “Như vậy, hành vi không đưa khu đất 145 ha vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Tổng công ty Bình Dương số tiền hơn 1.648 tỉ đồng”, kết luận điều tra nêu rõ.

Những cá nhân phải chịu hậu quả về thiệt hại trong sự việc này gồm bị can Nguyễn Văn Minh, chịu trách nhiệm chính; các bị can Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải, Lý Thanh Châu, Huỳnh Công Phát, cùng là thành viên HĐQT Tổng công ty Bình Dương, phải liên đới chịu trách nhiệm.

Kết luận điều tra cũng bổ sung xác định bị can Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa, mặc dù biết rõ khu đất 43 ha đã chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú và khu đất 145 ha đã được Tổng công ty Bình Dương dùng góp vốn vào Công ty Tân Thành từ năm 2017; việc phân loại khu đất 145 ha vào diện “tài sản chờ thanh lý” không tính vào giá trị doanh nghiệp là trái quy định pháp luật, nhưng vẫn ký quyết định xác định giá trị doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà nước.

Cùng liên đới chịu trách nhiệm thiệt hại này còn có các bị can Hà Văn Thuận, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Bình Dương; Nguyễn Kim Liên, cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính Bình Dương…

THÁI SƠN – NGỌC LÊ

TNO