Nga – Trung Quốc xích lại gần nhau trước sức ép của phương Tây
Nga – Trung Quốc xích lại gần nhau trước sức ép của phương Tây
Ngày 15-12, lãnh đạo Nga và Trung Quốc có cuộc điện đàm. Hai bên thống nhất giữ vững lập trường trong việc từ chối sự can thiệp của phương Tây và bảo vệ lợi ích an ninh của nhau.
Theo Hãng tin Reuters, 8 ngày sau khi điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Reuters đánh giá sự thù địch của phương Tây đang đưa Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập cho biết: “Hiện tại, một số lực lượng quốc tế dưới chiêu bài “dân chủ” và “nhân quyền” đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga, đồng thời chà đạp dã man luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực quan hệ quốc tế được thừa nhận”.
Ông Tập cho rằng “Trung Quốc và Nga nên tăng cường nỗ lực chung để bảo vệ hiệu quả hơn các lợi ích an ninh của cả hai bên”.
Về phía mình, ông Putin nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Một mô hình hợp tác mới đã được hình thành giữa hai quốc gia của chúng ta, cùng với những nguyên tắc khác, như không can thiệp vào công việc nội bộ, và tôn trọng lợi ích của nhau”.
Ông Putin cho biết ông mong gặp ông Tập tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, sự kiện mà Mỹ tuyên bố sẽ tẩy chay ngoại giao vì vấn đề nhân quyền của Trung Quốc với người Hồi giáo ở Tân Cương.
Trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov nói với các phóng viên rằng ông Tập và ông Putin đều bày tỏ “quan điểm tiêu cực” về việc thành lập các liên minh quân sự mới như quan hệ đối tác AUKUS giữa Úc, Anh và Mỹ và “Bộ tứ” Ấn Độ – Thái Bình Dương gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc cho thấy hai nước đang dựa vào nhau để hỗ trợ lẫn nhau, trong bối cảnh mỗi nước đều có căng thẳng cao độ trong quan hệ với phương Tây trong thời gian gần đây.
Trung Quốc đang chịu áp lực về nhân quyền, và Nga bị cáo buộc có hành vi đe dọa đối với Ukraine.
Ngày 15-12, Điện Kremlin cho biết, trong cuộc gặp với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Karen Donfried tại Moscow, Nga đã đưa các đề xuất cụ thể về các đảm bảo an ninh ràng buộc họ muốn từ phương Tây.
Nga muốn Mỹ và NATO đảm bảo liên minh quân sự phương Tây sẽ không mở rộng thêm về phía đông, hoặc triển khai một số hệ thống vũ khí nhất định ở Ukraine và các quốc gia khác có biên giới với Nga.
Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp… đều đã lên tiếng cảnh báo Nga về các biện pháp trừng phạt hoặc phản ứng mạnh nếu xâm lược Ukraine. Phía Moscow phủ nhận đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine như phương Tây cáo buộc.