22/12/2024

Tiến tới sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir tại TP.HCM

Tiến tới sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir tại TP.HCM

Ông Phạm Sanh Châu – đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ – cho biết đang thúc đẩy hợp tác với công ty dược tại TP.HCM để tiến tới nhập biệt dược từ Ấn Độ sản xuất thuốc tại TP.HCM, trong đó có thuốc kháng virus Molnupiravir.

 

Tiến tới sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir tại TP.HCM - Ảnh 1.

Hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP – Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ

Chiều 14-12, TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP với chủ đề “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu COVID-19, vấn đề và kiến nghị”.

Tiến tới sản xuất Molnupiravir tại TP.HCM

Tại hội nghị, ông Phạm Sanh Châu – đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ – đánh giá TP.HCM là địa phương chịu nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng đã vượt khó rất nhanh. Ông Châu bày tỏ sự vui mừng khi thời gian qua, những thuốc sản xuất tại Ấn Độ như Molnupiravir đã có mặt trong túi thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà ở TP.HCM.

Ông Châu cũng cho biết đang thúc đẩy hợp tác với công ty dược tại TP.HCM để tiến tới nhập biệt dược từ Ấn Độ để sản xuất thuốc trong nước. Ngày 15-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ, tại đây sẽ có ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp sản xuất dược tại TP.HCM.

Trong chuyến đi này, dự kiến các doanh nghiệp sẽ mang về 1 tấn nguyên liệu sản xuất dược để sản xuất Molnupiravir tại TP.HCM. Ông Châu cho rằng ngay cả khi TP đã tiêm chủng toàn dân thì vẫn phải chuẩn bị và tự chủ thuốc.

Chi phí không chính thức cản trở thu hút FDI

Tiến tới sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir tại TP.HCM - Ảnh 2.

Ông Đinh Vĩnh Cường – người Việt Nam tại Nhật Bản – tham luận tại hội nghị – Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ

Về giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Đinh Vĩnh Cường – người Việt Nam tại Nhật Bản, chuyên gia trong lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu – cho biết tính đến ngày 20-12-2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,5 tỉ USD, giảm 25% so với năm 2019.

Thực tế cho đến nay, FDI vào Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á, rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU. Ông Cường cho rằng chi phí không chính thức chính là rào cản đến dòng vốn đầu tư, không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

“Điều này cần xóa bỏ triệt để và nhanh chóng bằng nhiều biện pháp như chuyển đổi số, cải cách hành chính để thu hút dòng vốn. Nếu chúng ta không có biện pháp thì các dòng vốn sẽ đẩy qua các nước khác như Indonesia hay Myanmar”, ông Cường nói.

Ông Cường cho rằng để thu hút FDI, TP.HCM có thể phát triển công ty cổ phần trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới và được áp dụng nhiều ở Đông Nam Á, có nhiều lợi thế huy động vốn và giảm rủi ro hơn.

Bên cạnh đó là cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ý kiến của các nhà đầu tư, Luật đầu tư quy định doanh nghiệp liên doanh không được phép huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, chứng khoán là quá cứng nhắc và gây nhiều bất lợi cho Việt Nam. Vì vậy nên có những quy định cụ thể về loại hình này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mua cổ phần và nộp tỉ lệ góp vốn cho phía Việt Nam.

Năm 2021, kiều hối về TP.HCM ước đạt 6,6 tỉ USD

Tiến tới sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir tại TP.HCM - Ảnh 3.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị – Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt kinh tế xã hội của TP.HCM. Cho nên, ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, TP.HCM đã nhanh chóng xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế – xã hội trong tình hình mới.

Theo đó, TP đặt quyết tâm biến “nguy thành cơ”, “biến đau thương thành hành động” và gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược y tế và an sinh xã hội. TP.HCM chia thành 2 giai đoạn phục hồi kinh tế là trong năm 2022 và 2023-2025.

“TP cố gắng tối đa trong năm 2022 phải hồi phục kinh tế. Chúng ta phải tạo ra sự phát triển tương đương với giai đoạn trước khi có dịch. Giai đoạn 2023-2025, TP tiếp tục phát triển nhanh để bù lại những khoảng sụt giảm do dịch”, ông Hoan nói.

Phó chủ tịch UBND TP đánh giá rằng lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh với 5,3 triệu người tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, ông Hoan cho rằng TP rất vui mừng khi kiều hối về TP năm 2021 ước đạt 6,6 tỉ USD, dù khó khăn vẫn tăng trưởng 9% so với năm trước. “TP xem đây là cơ hội và nguồn lực để giúp TP phục hồi nhanh và phát triển”, ông Hoan nói.

Ông Hoan mong muốn các kiều bào tiếp tục góp ý nhiều hơn nữa cho TP. TP cam kết tiếp tục đồng hành cùng bà con và doanh nghiệp Việt kiều trong quá trình phát triển.

TIẾN LONG – THẢO LÊ
TTO