22/01/2025

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận

Đất dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp, TP Phan Thiết, Bình Thuận đã được địa phương có chủ trương thu hồi từ lâu để thực hiện các dự án nhưng tình trạng lấn chiếm, mua bán, xây dựng trái phép vẫn diễn ra.

 

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận - Ảnh 1.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp đẹp bậc nhất tỉnh Bình Thuận – Ảnh: ĐỨC TRONG

Đường Võ Nguyên Giáp được xem là tuyến đường đẹp nhất tỉnh, kết nối hạ tầng nhiều dự án lớn, trong đó có sân bay Phan Thiết sau này.

Chạy dọc trên đường có thể quan sát rõ bãi biển, trung tâm du lịch quốc gia Mũi Né. Chính vì vậy, nhiều trường hợp đã bất chấp lấn chiếm với hy vọng chờ Nhà nước bồi thường.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ngoài phần diện tích người dân đang trồng cây còn có nhiều khu vực tự ý dựng rào, cắm cọc để khẳng định “chủ quyền”.

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận - Ảnh 2.

Cắm cọc, dựng rào trên đồi cát cao hai bên đường Võ Nguyên Giáp – Ảnh: ĐỨC TRONG

Nhiều chòi tạm bợ dựng lên rồi bỏ trống trong những khu đất như thế. Thậm chí một số người dân còn lập chỗ thờ tự, cúng bái…

Càng xuôi về hướng phường Mũi Né càng thấy rõ thực trạng trên, làm nhếch nhác hai bên đường.

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận - Ảnh 3.

Nhiều căn nhà, chòi tạm bợ dựng lên hai bên đường Võ Nguyên Giáp – Ảnh: ĐỨC TRONG

Nhiều người dân cho rằng đất họ đã canh tác từ lâu, có giấy tay, bản đồ thửa đất… ở hai bên đường này nhưng chưa được bồi thường thỏa đáng nên cứ để đó.

Trong vai người mua đất, chúng tôi được một người môi giới dẫn vào một khu đất trống ở phía trong, cách đường Võ Nguyên Giáp vài trăm mét.

Đường mòn dẫn vào khu đất được lót đá. Người môi giới cho rằng đất của ông chỉ có một phần dính quy hoạch “350m”, phần còn lại chờ Nhà nước đền bù.

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận - Ảnh 4.

Lối mòn được lót đá từ đường Võ Nguyên Giáp đi vào trong – Ảnh: ĐỨC TRONG

Khi chúng tôi thắc mắc có sổ đỏ không, người này thừa nhận tất cả đất như thế này đều không có sổ đỏ, chỉ mua bán thỏa thuận bằng giấy tay. Họ sẽ đưa cho những người gọi là chủ đất xung quanh để ký “tứ cận” xác nhận.

Một người làm môi giới lâu năm tại địa phương giải thích thêm với chúng tôi đó gọi là mua đất “chỉ”. Tức chỉ tay vào khu vực nào là đất của họ chỗ đó. Và đã từng có nhiều vụ tranh chấp vì cách mua đất “chỉ” như vậy.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận, dự án xây dựng công trình đường và sử dụng quỹ đất hai bên đường Võ Nguyên Giáp được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thu hồi từ những năm 2006 – 2007, với tổng diện tích hơn 1.000 ha.

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận - Ảnh 5.

Nhiều căn nhà, chòi tạm bợ dựng lên hai bên đường Võ Nguyên Giáp – Ảnh: ĐỨC TRONG

Trừ diện tích để thi công đường và các khu vực đã bán đấu giá, dự án trường học, khu dân cư… thì diện tích còn lại khoảng 800 ha. Tính từ mép đường Võ Nguyên Giáp vào sâu 350m là quỹ đất trên.

Dự án trải dài trên 4 xã phường gồm: Thiện Nghiệp, Phú Hài, Hàm Tiến, Mũi Né thuộc TP Phan Thiết.

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận - Ảnh 6.

Đường Võ Nguyên Giáp kéo dài qua 4 xã phường ở TP Phan Thiết – Ảnh: ĐỨC TRONG

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận cho rằng do thời gian bồi thường kéo dài (từ năm 2006 đến nay), áp dụng nhiều chính sách khác nhau nên việc bồi thường gặp rất nhiều khó khăn. Mặt bằng các khu vực đất do Nhà nước quản lý, đã bồi thường thì nhỏ lẻ, da beo, xen kẽ…

Ngoài ra, đơn vị giải thích việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cần nhiều thủ tục, nhiều bước như: xác định phạm vi, ranh giới đất, diện tích đất lấn chiếm hoặc trưng cầu đơn vị có chức năng đo đạc…

Do đó, việc quản lý quỹ đất khu này còn nhiều bất cập và cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương.

Trong năm 2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với địa phương kiểm tra, xác định và đo đạc 36 vị trí đất do các hộ dân lấn chiếm.

Muôn kiểu dựng chòi, mua bán, lấn chiếm đất ven đường đẹp nhất Bình Thuận - Ảnh 7.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận dựng bảng thông báo – Ảnh: ĐỨC TRONG

Khó khăn tiếp theo mà đơn vị gặp phải là nguồn kinh phí khắc phục sai phạm trên.

Theo đó, để có nguồn kinh phí cưỡng chế, tháo dỡ các trường hợp lấn chiếm đất, đơn vị đã tham mưu Sở Tài nguyên và môi trường báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương.

Khi UBND tỉnh thống nhất chủ trương, đơn vị mới phối hợp với các địa phương lập dự toán kinh phí trình UBND TP Phan Thiết phê duyệt và tổ chức cưỡng chế.

Thời gian tới, đơn vị hoàn tất các thủ tục ký hợp đồng với các đơn vị chức năng để bảo vệ khu đất và phục hồi ranh mốc quỹ đất hai bên tuyến đường này.

Đồng thời, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sẽ chủ động phối hợp với UBND các xã phường kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi lấn chiếm, cũng như cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa, công trình xây dựng trái phép.

Để cảnh báo các trường hợp lấn chiếm, mới đây Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận đã cắm 15 bảng thông báo dọc hai bên đường.

ĐỨC TRONG
TTO