22/12/2024

Cuộc chiến cáp quang dưới lòng Thái Bình Dương

Cuộc chiến cáp quang dưới lòng Thái Bình Dương

Nhiều nước tăng cường đầu tư, bảo vệ các tuyến cáp quang biển ở khu vực Thái Bình Dương do tầm quan trọng ngày càng gia tăng về kinh tế và an ninh.

 

 

Cuộc chiến cáp quang dưới lòng Thái Bình Dương - ảnh 1
Duy trì các tuyến cáp quang biển có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo đường truyền dữ liệu  AFP

Trang ITNews hôm qua đưa tin Mỹ, Úc và Nhật Bản vừa thông báo sẽ cùng đầu tư xây dựng tuyến cáp quang biển để tăng cường khả năng truy cập internet tại 3 đảo quốc Thái Bình Dương, trong bối cảnh phương Tây và các đồng minh đối phó ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Theo giới phân tích, việc duy trì kiểm soát cũng như khả năng bảo vệ, sửa chữa các tuyến cáp quang biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng do chúng không chỉ dễ bị tác động bởi các biến cố tự nhiên, xung đột vũ trang mà còn dễ bị theo dõi trong các hoạt động tình báo.

Tăng cường lắp đặt, kiểm soát

Kế hoạch của Mỹ, Úc và Nhật nhằm lắp tuyến cáp quang cung cấp tốc độ internet nhanh hơn tại Nauru, Kiribati và Micronesia.

“Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội phát triển và cải thiện tiêu chuẩn sống tại khu vực phục hồi từ tác động nghiêm trọng của Covid-19”, theo thông cáo chung của 6 nước về kế hoạch đầu tư.

Thông cáo nêu rõ dự án đầu tư hạ tầng được công bố vào thời điểm với “những thách thức kinh tế và chiến lược chưa từng có trong khu vực”.

Dự án là cam kết hỗ trợ mới nhất từ Mỹ và các đồng minh trong lĩnh vực viễn thông ở Thái Bình Dương. Vào năm 2017, Úc đã chi hơn 98 triệu USD để tăng cường khả năng truy cập internet tại Quần đảo Solomon và Papua New Guinea.

Theo Reuters, Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lo ngại rằng các tuyến cáp quang do Trung Quốc lắp đặt có thể ảnh hưởng an ninh khu vực. Bắc Kinh bác bỏ mọi ý định do thám các tuyến cáp quang thương mại, vốn có khả năng truyền dữ liệu tốt hơn nhiều so với vệ tinh.

Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang xây dựng 2 căn cứ để bảo trì các tuyến cáp quang ở biển Hoa Đông và Biển Đông, nhằm củng cố hạ tầng mạng, được xem là mặt trận mới trong cạnh tranh địa chính trị với Mỹ.

Theo kế hoạch 5 năm trong lĩnh vực thông tin liên lạc, Trung Quốc còn đóng thêm 2 tàu chuyên bảo trì cáp quang biển “nhằm thiết lập năng lực cạnh tranh quốc tế về xây dựng và bảo trì các tuyến cáp quang biển”.

Chính quyền tỉnh Hải Nam hôm 8.12 cho hay dự án xây dựng căn cứ trên sẽ triển khai trong năm nay tại thành phố Tam Á. Theo kế hoạch của tỉnh, căn cứ mới sẽ đảm bảo an toàn những các tuyến cáp quang ở Biển Đông khi hoạt động vào năm 2023.

Nguy cơ bị do thám

Kế hoạch xây dựng 2 căn cứ trên được công bố vào thời điểm Trung Quốc, nước có nền kinh tế số lớn thứ 2 sau Mỹ, tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số.

Trong khi đó, Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại về vai trò của Trung Quốc trong hệ thống mạng và khả năng do thám. Theo chuyên gia Justin Sherman tham gia Sáng kiến Nghệ thuật Quản lý nhà nước trên Không gian mạng thuộc tổ chức Atlantic Council (Mỹ), cáp quang biển là cơ sở cho hoạt động internet toàn cầu nên khả năng kiểm soát chúng sẽ đem lại lợi thế về kinh tế cũng như khi có xung đột quân sự.

“Mọi chính phủ trên thế giới đều hoạt động gián điệp và Bắc Kinh cũng không khác, đó là lý do vì sao việc tăng cường năng lực duy trì các tuyến cáp quang biển có ý nghĩa về kinh tế lẫn do thám”, ông nhận định.

Các công ty Trung Quốc hiện đóng vai trò lớn trong hạ tầng internet. Theo Ủy ban Liên lạc liên bang Mỹ, công ty Huawei Marine của Trung Quốc đã xây dựng và sửa chữa khoảng 1/4 các tuyến cáp quang biển trên thế giới.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng gia tăng của công ty này dẫn đến lo ngại từ phía Mỹ và Washington đang kêu gọi hạn chế sử dụng hạ tầng internet do Trung Quốc xây dựng.

436 tuyến cáp quang biển

Theo công ty nghiên cứu về viễn thông TeleGeography (Mỹ), tổng cộng 436 tuyến cáp quang đã được lắp đặt dưới biển, kết nối các trạm trên đất liền khắp thế giới. Những tuyến cáp quang này truyền tải 95% dữ liệu các loại, từ tài liệu của chính phủ, liên lạc quân sự cho đến giao dịch kinh tế tư nhân. Điều này khiến chúng có vai trò quan trọng về kinh tế và an ninh tại hầu hết các nước. 3 công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom đều có cổ phần trong 31 tuyến cáp quang được lắp đặt trong năm nay.

 

KHÁNH AN

TNO