22/01/2025

Bay quốc tế trở lại cần đón cả khách nước ngoài thay vì chỉ người Việt

Bay quốc tế trở lại cần đón cả khách nước ngoài thay vì chỉ người Việt

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ từ 1-1-2022 cần tiếp nhận cả khách nước ngoài và không cách ly tập trung với người tiêm đủ liều vắc xin hoặc âm tính với SARS-CoV-2.

 

Bay quốc tế trở lại cần đón cả khách nước ngoài thay vì chỉ người Việt - Ảnh 1.

Theo kết luận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, từ ngày 1-1-2022 sẽ thí điểm khôi phục các đường bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam – Ảnh: TUẤN PHÙNG

Đó là nội dung đáng chú ý vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) gửi tới Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải góp ý dự thảo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh qua đường hàng không mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương.

Dự thảo của Bộ Y tế yêu cầu chung với người nhập cảnh là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh, “trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi”. VABA đề nghị là “trừ trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi” cho phù hợp với quy định chung trên thế giới.

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19, Bộ Y tế đề nghị trong 3 ngày đầu nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe “không được ra khỏi nhà, không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, cùng nơi lưu trú”; thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 do y tế địa phương thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm.

Tuy nhiên, VABA đề nghị những người này “được phép tiếp xúc với người nhà theo nguyên tắc 5K. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, nếu có kết quả dương tính mới xét nghiệm RT-PCR”.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày.

Với nội dung này, VABA đề nghị bổ sung quy định nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí cách ly tập trung 7 ngày. Đồng thời phải có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc ra quyết định cách ly hành khách, nếu không sẽ rất khó khăn khi triển khai trong thực tế.

Về đối tượng nhập cảnh khi khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, VABA cho rằng dự thảo của Bộ Y tế hiện chỉ đề cập tới đối tượng là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân. Dự thảo chưa đề cập tới khách quốc tịch nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam để du lịch, kinh doanh, làm việc…

Trong bối cảnh các nước trong khu vực đang đẩy mạnh các chương trình thu hút khách quốc tế, miễn cách ly đối với hành khách đến từ nhiều quốc gia, VABA nhận thấy Việt Nam rất cần mở rộng các chính sách để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam làm việc, đầu tư, du lịch… để tránh bị tụt hậu thêm, bị mất thị trường, mất lợi thế cạnh tranh về du lịch, điểm đến.

Vì vậy, VABA đề nghị Bộ Y tế bổ sung đối tượng là khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời quy định không cách ly tập trung đối với khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72h trước khi bay.

Trước đó ngày 10-12, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về cuộc họp kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ diễn ra ngày 9-12.

Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2022.

Phó thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin”, ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.

TUẤN PHÙNG
TTO