23/01/2025

‘Bác sĩ ơi, con cô đơn quá, học trực tuyến xong chỉ biết lên mạng, chơi game…’

‘Bác sĩ ơi, con cô đơn quá, học trực tuyến xong chỉ biết lên mạng, chơi game…’

Đó là tâm sự của nhiều học sinh, sinh viên khi gọi điện đến số tổng đài của dự án cộng đồng ‘Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch’ để được tham vấn và trị liệu tâm lý.

 

 

 

Bạn trẻ lo âu, trầm cảm nhiều nhất

Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Khoa Điều trị tự nguyện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, kể lại: “Sau 5 tháng tham gia dự án tư vấn miễn phí ‘Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch’, tôi và đồng nghiệp nhận được nhiều cuộc gọi từ học sinh, sinh viên khắp mọi miền đất nước. Các em tâm sự rằng bản thân cảm thấy buồn chán, lo âu, trầm cảm vì phải ở nhà quá lâu, không được ra ngoài học tập, vui chơi, giao tiếp”.

“Nhiều em cảm thấy bị cô đơn, cô lập nên học trực tuyến xong lại lên mạng chơi game, lướt TikTok, Facebook tìm niềm vui… nên mong được đi học lại. Cũng có những phụ huynh gọi đến, bày tỏ sự lo lắng khi chứng kiến con mình thay đổi tính cách, không chịu trò chuyện, ngồi suốt với máy tính…”, bác sĩ Hòa nói.

'Bác sĩ ơi, con cô đơn quá, học trực tuyến xong chỉ biết lên mạng, chơi game...' - ảnh 1
Ở nhà quá lâu, học trực tuyến dài ngày khiến nhiều học sinh, sinh viên buồn chán  K.P

Theo bác sĩ Hòa, không ít học sinh, sinh viên đang phải chịu những nỗi lo lắng về dịch bệnh, học tập, thi cử, việc làm… và điều này có thể dẫn đến rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, cha mẹ và con cái nảy sinh những xung đột do ở nhà quá lâu, cộng với khoảng cách tuổi tác…

“Phần lớn cha mẹ không hiểu được tâm lý con cái, thường la mắng con tại sao suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính. Tuy nhiên, các em cũng cần được giao lưu, gặp gỡ, hoạt động nhưng lại phải ở nhà quá lâu, không có bạn bè chơi cùng, trong khi cha mẹ thì bận rộn. Do đó, các em cảm thấy bị cô lập, cô đơn nên không còn cách nào khác là lên mạng chơi game, chat chit”, bác sĩ Hòa chia sẻ.

Là người chịu trách nhiệm chuyên môn dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch”, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Minh Công, Phó chủ nhiệm khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý lứa tuổi học sinh, sinh viên và các bạn mới tốt nghiệp đi làm dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi phải đối mặt với đại dịch vì các em chưa có đủ trải nghiệm, chưa đủ mạnh mẽ để xử lý những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

“Nếu những vấn đề sức khỏe tâm thần không được phát hiện, tham vấn, trị liệu kịp thời thì lâu dài có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn như trầm cảm, hoảng loạn và có hành vi tiêu cực rất nguy hiểm”, ông Công cảnh báo.

Sẽ tiếp tục hỗ trợ tư vấn tâm lý

Theo tiến sĩ Công, dự án “Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch” có sự tham gia của 7 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, 20 nhà tâm lý lâm sàng và tham vấn tâm lý, 5 chuyên viên giáo dục đặc biệt và âm ngữ trị liệu cùng các chuyên gia khác…

'Bác sĩ ơi, con cô đơn quá, học trực tuyến xong chỉ biết lên mạng, chơi game...' - ảnh 2
Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ trong buổi sơ kết dự án cộng đồng “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” M.C

Tiến sĩ Công thông tin: “Từ khi bắt đầu là ngày 15.7 đến ngày 30.11, chúng tôi đã khám và điều trị, tham vấn và trị liệu tâm lý theo hình thức từ xa cho tổng số 901 người. Mỗi trường hợp được hỗ trợ can thiệp từ 3 – 12 buổi. Các vấn đề sức khỏe tâm thần bao gồm stress, khủng hoảng, rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm…”.

Trong số những người được tham vấn, có 4,78% dưới 18 tuổi và 95,22% từ 18 – 55 tuổi, đủ các nghề nghiệp như học sinh, sinh viên, bộ đội, công an, công nhân, nhân viên văn phòng, kinh doanh, lao động tự do, bác sĩ…

Sắp tới, dự án bước sang giai đoạn 2, tiếp tục cung cấp dịch vụ miễn phí cho mọi người, với hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Dự kiến sẽ có khoảng gần 3.000 người được hưởng lợi từ dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch, bao gồm cả trẻ em có rối loạn phát triển thần kinh như tự kỷ, rối loạn học tập, tăng động giảm chú ý…

 

MỸ QUYÊN

TNO