23/01/2025

Biến thể Omicron khiến nhiều nước tính tiêm vắc xin mũi 4

Biến thể Omicron khiến nhiều nước tính tiêm vắc xin mũi 4

Trước làn sóng lây nhiễm đến từ biến thể Omicron, một số nước bắt đầu cân nhắc khả năng tiêm mũi 4 trong nỗ lực bảo vệ người dân và duy trì khả năng sống chung với Covid-19.

 

Hôm qua (ngày 10.12), báo Khmer Times dẫn lời bà Or Vandine, Bộ trưởng Y tế Campuchia, thông báo viễn cảnh Campuchia tổ chức tiêm mũi 4 trong năm 2022. Các dòng vắc xin hiện vẫn chứng tỏ năng lực bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia đang nỗ lực xác định thời điểm cần tiêm mũi 4 nếu muốn ngăn ngừa nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra.

Nhu cầu tiêm mũi 4

“Mũi 4 có thể được tiêm năm 2022 cho những người tiêm mũi 3 sau 6 – 12 tháng. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiêm mũi 4, nhưng chưa xác định được thời điểm phù hợp”, theo Khmer Times dẫn lời nữ bộ trưởng. Bà kêu gọi người dân không nên quá sợ hãi hoặc buông lỏng cảnh giác trong giai đoạn này. Đây là thời của “bình thường mới”, khi mà mọi người phải thích ứng với Covid-19 và nguy cơ lây nhiễm vẫn tiếp tục cao.

Biến thể Omicron khiến nhiều nước tính tiêm vắc xin mũi 4 - ảnh 1
Nam Phi đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người dân trước nguy cơ từ biến thể Omicron REUTERS

Động thái trên của Campuchia diễn ra sau khi ông Albert Bourla, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Pfizer, dự báo có thể phải rút ngắn thời gian tiêm mũi 4 nếu muốn đối phó Omicron, theo Đài CNBC. Trong khi đó, tiến sĩ Zoë Hyde, nhà dịch tễ học của Đại học Tây Úc, cảnh báo những người tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer/BioNTech “nhiều khả năng không được bảo vệ trước biến thể Omicron”. Theo Yahoo! News dẫn lời nữ tiến sĩ, đây là một thảm họa, thậm chí những người tiêm mũi 3 vẫn đối mặt nguy cơ mắc bệnh. Tin lạc quan là 2 mũi vắc xin vẫn cho phép ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng và tử vong, và người tiêm 3 mũi được bảo vệ tốt hơn. “Vì thế tiêm nhắc vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay”, bà nhận xét.

Đồng thời, tiến sĩ Hyde khuyến cáo các chính phủ nên hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối những loại khẩu trang chuyên dụng như KF-94, FFP2 và N95 nếu muốn bảo vệ hiệu quả trước biến thể mới. “Khẩu trang vải và y tế không đủ sức chống chọi (trước biến thể Omicron)”, bà cảnh báo.

Đẩy mạnh nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Sandra Ciesek thuộc Bệnh viện Đại học Frankfurt (Đức), cho thấy năng lực kích hoạt phản ứng kháng thể ở người tiêm 3 mũi Pfizer/BioNTech trước biến thể Omicron thấp hơn 37 lần so với biến thể Delta. Hiện vẫn chưa có kết quả nghiên cứu về hiệu quả của các vắc xin khác. Các hãng như Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu tại phòng thí nghiệm về hiệu lực vắc xin của họ.

Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) cũng cho biết đang triển khai các cuộc nghiên cứu nhằm xác nhận liệu vắc xin của họ có thể chống biến thể Omicron hay không. Bên cạnh đó, Đài CNBC dẫn lời ông Kirill Dmitriev, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, ước tính mất thêm khoảng 3 tuần nữa trước khi có kết quả về vắc xin Sputnik V. Còn theo một báo cáo khác, đa số người tiêm 2 mũi và từng mắc Covid-19 đều được bảo vệ tốt trước Omicron.

Tính đến ngày 7.12, WHO cho hay biến thể Delta vẫn chiếm đến 99,8% số ca Covid-19 trên toàn cầu. Các chuyên gia đang theo dõi sát diễn tiến dịch bệnh để có thể phát hiện ngay thời điểm biến thể Omicron chuyển sang nắm vai trò chủ đạo. “Nếu chúng ta bất ngờ ghi nhận 10% số ca mới là Omicron, kế tiếp tăng lên 20% vào tuần tới, đó là dấu hiệu phản ánh sự “đổi ngôi” giữa Omicron và Delta”, Reuters dẫn lời Giáo sư John Moore của Đại học Y Weill Cornell (Mỹ) cho biết.

WHO khuyến cáo về tiêm vắc xin mũi nhắc lại

Ngày 9.12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm mũi nhắc cho các đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc tiêm phòng vắc xin bất hoạt. Theo Reuters, quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của Tổ chuyên gia cố vấn chiến lược (SAGE) của WHO. “Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi tiếp tục ủng hộ nhu cầu được phân phối bình đẳng vắc xin phòng Covid-19 và tiêm mũi 3 cho những đối tượng có vấn đề về sức khỏe hoặc đã tiêm vắc xin bất hoạt”, theo ông Alejandro Cravioto, Chủ tịch SAGE. Trong lúc đưa ra khuyến cáo mới nhất về mũi tiêm nhắc, WHO nhắc lại việc kêu gọi các nước giàu ngừng ngay việc tích trữ vắc xin, thay vào đó ưu tiên cho những quốc gia ít tiếp cận được nguồn vắc xin.

 

THUỴ MIÊN

TNO