27/12/2024

Làm sao biết mình phù hợp với ngành nào?

Làm sao biết mình phù hợp với ngành nào?

Đó là băn khoăn mà nhiều học sinh đặt ra với các khách mời trong buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến “Bạn phù hợp với ngành nào, trường nào?” diễn ra tối qua 7-12.

 

Làm sao biết mình phù hợp với ngành nào? - Ảnh 1.

Buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến “Bạn phù hợp với ngành nào, trường nào?” diễn ra tối 7-12 – Ảnh chụp màn hình

Buổi mở màn của chương trình trực tuyến tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tối 7-12 đã thu hút hàng ngàn học sinh, phụ huynh tham gia.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Chương trình giúp thí sinh và phụ huynh nắm bắt đầy đủ thông tin về tuyển sinh đại học – cao đẳng trong năm tới, đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh với sự tham gia của 6 khách mời đến từ ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM và Trường ĐH Duy Tân.

Tùy theo điều kiện gia đình, năng lực học tập, các bạn có thể chọn bậc học và ngành học phù hợp. Bạn cũng có thể chọn học nghề để đi làm trước và sau đó tiếp tục học. Việc học là suốt đời.

TS Hà Thúc Viên (phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức)

Không để ai quyết định thay trong chọn ngành

Đăng ký đặt câu hỏi với các khách mời trong buổi tư vấn từ rất sớm, bạn Đoàn Minh Hiếu thắc mắc: “Làm sao để biết được ngành mình định chọn có phù hợp hay không?”.

Hiếu còn cho biết bạn thích ngành quan hệ quốc tế nhưng qua tìm hiểu lại thấy điểm chuẩn ngành này ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khá cao, sợ mình không trúng tuyển.

Chia sẻ về việc chọn ngành, TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết để khám phá bản thân mình phù hợp với ngành nào, hiện nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ trên Internet.

Học sinh có thể truy cập để test thử mình phù hợp với nghề nào, ngành nào. Tuy nhiên, thầy Hạ cho rằng: “Đây cũng chỉ là kênh thông tin tham khảo, điều quan trọng nhất là ở chính các bạn. Các bạn cần xem với năng lực mình có phù hợp với ngành nào, công việc mình sẽ làm thế nào và nhu cầu xã hội ra sao. Chính những điều này giúp các bạn cân nhắc để chọn được ngành phù hợp”.

Thầy Hạ đưa ra lời khuyên khi chọn được ngành học, học sinh cũng cần chọn bậc học phù hợp. Nếu các bạn có đủ năng lực học đại học thì chọn học đại học, tuy nhiên nếu điều kiện gia đình và năng lực chưa cho phép các bạn có thể chọn bậc học thấp hơn.

“Nếu chọn ngành học không phù hợp với mình, các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và khó vượt qua được. Khi lựa chọn ngành học mình cần lắng nghe chính bản thân mình thích gì. Để đưa ra quyết định, bạn có thể tham khảo từ phía cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người đi trước nhưng chính mình phải được ra quyết định này. Tương lai là do chính các bạn quyết định, không có ai quyết định thay” – thầy Hạ nhấn mạnh.

Cần tìm hiểu kỹ ngành nghề

ThS Phạm Doãn Nguyên, giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM, cho rằng: “Việc lựa chọn ngành nghề rất quan trọng. Nếu có sự lựa chọn đúng sẽ giúp mỗi người phát huy được năng lực, sở trường, giá trị của bản thân, ngược lại, nếu chọn ngành không phù hợp sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, chán nản, bỏ học, thất nghiệp…”.

Theo TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, sau THPT học sinh sẽ bắt đầu hành trình mới để có nghề trong tay, từ đó lập thân, lập nghiệp. Hệ thống giáo dục sau THPT có trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Mỗi bậc học có xấp xỉ 200 trường, trong đó tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội.

Bình quân hằng năm có trên 70% học sinh lựa chọn bậc đại học. Hiện có khoảng 900 ngành bậc trung cấp, 600 ngành cao đẳng, 400 ngành đại học. Tại các trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nhìn điểm chuẩn năm qua thống kê có gần 5.000 chương trình có điểm chuẩn khác nhau.

Cũng theo TS Lê Thị Thanh Mai, thực tế nhiều năm qua nhiều thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển. Có những ngành điểm chuẩn rất cao như y khoa, báo chí… trong khi cũng nhiều ngành khó tuyển thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, nông lâm nghiệp – thủy sản, dịch vụ xã hội, môi trường và bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo cho các trường tuyển sinh đúng thí sinh, phù hợp với chương trình đào tạo hiện nay, Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, trong đó bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường có thể kết hợp thêm một số phương thức khác công khai trong đề án tuyển sinh.

Các phương thức phổ biến như: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét tuyển dựa vào học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra còn có các phương thức riêng của các trường, ví dụ như số trường sử dụng chứng chỉ quốc tế ngày càng nhiều hơn, tuyển thẳng học sinh trường chuyên…

“Ngay từ bây giờ các em nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh và thử xem sức của mình so với điểm chuẩn các phương thức đó để có sự chuẩn bị thật tốt” – cô Mai khuyên.

Không phân biệt trường công, trường tư

Trả lời câu hỏi của một học sinh về việc học trường tư thục ra trường thì cơ hội việc làm như thế nào, TS Võ Thanh Hải – phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Duy Tân – cho biết Việt Nam có hơn 60 trường ĐH ngoài công lập.

Theo các quy định hiện hành, trong quá trình tuyển dụng, các cơ quan, tổ chức không được phân biệt bằng cấp, không phân biệt trường công, trường tư.

Kết quả khảo sát về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, các trường ngoài công lập có tỉ lệ sinh viên có việc làm cao, chẳng hạn Trường ĐH Duy Tân năm 2020 trở về trước, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm lên tới 94%.

TRẦN HUỲNH
TTO