29/12/2024

Học sinh TP.HCM học trực tiếp, ngành y tế nói gì?

Học sinh TP.HCM học trực tiếp, ngành y tế nói gì?

Không để học sinh hoang mang, lo lắng là lưu ý của ngành y tế khi tập huấn trực tuyến cho giáo viên gần 2.000 trường học từ mầm non đến THPT về công tác phòng, chống dịch khi học sinh học trực tiếp.

 

 

 

Học sinh TP.HCM học trực tiếp, ngành y tế nói gì? - ảnh 1
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) tập huấn đón học sinh đến trường KIM BẢO

Chiều ngày 8.12, Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tập huấn trực tuyến cho giáo viên gần 2.000 trường học từ mầm non đến THPT về công tác phòng, chống dịch khi học sinh học trực tiếp.

Bác sĩ Đặng Văn Sang, Phòng Y tế, Sở Y tế, lưu ý ngày đầu tiên học sinh học trực tiếp ở trường, nhà trường nên giới thiệu vị trí phòng cách ly tạm thời và nói rõ quy trình để học sinh không lo sợ khi bị nghi nhiễm. Bên cạnh đó, bác sĩ Sang cũng hướng dẫn thêm, khi có người ở cùng nhà là F0 thì theo quy trình xử lý F1 tại nhà, học sinh thuộc diện F1 chắc chắn sẽ không đi học. Nhưng nếu học sinh là F1 được phát hiện tại trường thì vẫn sẽ đi học do khi tiếp xúc ở lớp học, học sinh luôn đeo khẩu trang. F1 tại nhà sau 14 ngày sẽ đi học khi địa phương cấp giấy hoàn thành cách ly.

Học sinh TP.HCM học trực tiếp, ngành y tế nói gì? - ảnh 2
Học sinh lớp 12 tiêm vắc xin để đến trường vào ngày 13.12  Đ.N.T

Đề cập đến phương án mở cửa trường học, tổ chức cho học sinh học trực tiếp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói rằng TP đã rà soát phương án, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhiều lần thay đổi với tinh thần đảm bảo an toàn nhất cho học sinh. Sau khi nới lỏng giãn cách, số ca nhiễm mới của TP có xu hướng tăng, tuy nhiên đây là điều cơ quan chuyên môn đã lường trước và đã kiểm soát, có những biện pháp, giải pháp kiềm chế dịch bệnh theo hướng thích ứng, linh hoạt đảm bảo an toàn cho cộng đồng và học sinh.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng nhấn mạnh, thời điểm này, học sinh đến trường là hết sức cần thiết. Việc kéo dài học trực tuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý học sinh, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Hệ lụy của học trực tuyến kéo dài còn kéo theo nhiều bệnh không lây nhiễm, như cận thị, loạn thị, cong vẹo cột sống… ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh. Đi học trực tiếp còn là nhu cầu thực sự của học sinh… Học sinh trở lại trường sẽ là cơ hội rèn giũa kỹ năng phòng chống dịch để trở thành thói quen, phản xạ; giáo dục kỹ năng, hành vi có lợi có sức khoẻ, hình thành thế hệ tương lai có nhiều kỹ năng bảo vệ sức khoẻ. Ông Hưng đánh giá phụ huynh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ phòng chống dịch. Do đó, các trường cần nêu rõ phụ huynh cần làm gì, khi có triệu chứng nghi ngờ thì trao đổi, thông tin với phụ huynh cùng hợp tác

Cũng tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Hữu Hưng nói thêm: “Khi học sinh học trực tiếp, ngành y tế và ngành giáo dục không thể chủ quan. Ngành y tế đã xây dựng quy trình xử lý F0 trong nhà trường vừa an toàn vừa thích ứng linh hoạt. Tinh thần là khoanh vùng hẹp nhất có thể, ít ảnh hưởng nhất đến hoạt động giáo dục của nhà trường. Tình trạng mở vài bữa lại đóng thì chắc chắn không thể nói trước được nhưng phải đảm bảo vừa an toàn, vừa thích ứng linh hoạt”.

Sáng nay, UBND TP.HCM có quyết định chính thức về việc tạm thời chưa tổ chức cho học sinh lớp 1 và trẻ mầm non đi học trở lại. Còn lại học sinh lớp 9, lớp 12 vẫn đến trường học trực tiếp theo kế hoạch đã ban hành bắt đầu từ ngày 13.12.

 

BÍCH THANH

TNO