23/12/2024

Đô thị sát biển vẫn ngập lụt

Đô thị sát biển vẫn ngập lụt

Ở miền Trung, có nhiều đô thị là trung tâm tỉnh lỵ nằm sát biển, nhưng cứ mưa là ngập lụt. Điều bất thường này khiến cuộc sống người dân hứng chịu nhiều khổ sở, hệ luỵ.

 

 

Hơn 5 năm trở lại đây, người dân TP.Nha Trang (Khánh Hòa) nơm nớp lo “chạy” ngập lũ vào mùa mưa, điều mà tưởng chừng quá xa lạ với người dân đô thị biển xinh đẹp này.

Dân bị động “đón” lũ trong đêm

Mới đây nhất, trong các ngày 30.11 – 1.12, hàng ngàn người dân Nha Trang tá hỏa khi nước ngập “nhấn chìm” nhiều xã phía tây, khiến hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo người dân, nhiều năm qua ở Nha Trang, cứ mưa lớn thì kiểu gì cũng ngập. Tuy nhiên, trận ngập những ngày vừa qua thì khác, nước dâng lên nhanh một cách bất thường và chỉ vài giờ đồng hồ đã gây ngập sâu hàng mét, giao thông nhiều nơi gần như tê liệt.

Đô thị sát biển vẫn ngập lụt - ảnh 1
TP.Nha Trang ngập lụt hôm 1.12, nhìn từ trên cao  BÁ DUY

Vào mùa mưa những năm gần đây, Nha Trang nhiều nơi ngập sâu, nước rút rất chậm, nhất là khu vực phía tây. Thậm chí, dù mưa không lớn và ít kéo dài nhưng vẫn ngập sâu. Chỉ trong tháng 11 và đầu tháng 12.2021, ngập lụt đã khiến hàng nghìn căn nhà ở các xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương… bị ngập nặng đến 2 lần.

Ngày 2.12, PV Thanh Niên có mặt tại nhà chị Lê Thúy Vy (thôn Phú Trung 2, xã Vĩnh Thạnh), chứng kiến cảnh thường xuyên phải dọn dẹp nhà cửa vì bị ngập nước. Theo chị Vy, chiều 30.11, mưa lớn, cả xóm đều “bình chân như vại” vì không nghe địa phương cảnh báo. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, mọi người bất ngờ vì nước đã ngập trong nhà khoảng 30 cm, rồi cứ thế tăng lên 60 cm chỉ vài chục phút. Nhà nào thấp thì nước ngập đến 1 m, tương đương nước ngoài đường hẻm dâng cao đến 1,8 m. “Nước ngập quá nhanh không ai kịp trở tay nên rất nhiều đồ đạc phó mặc cho nước lũ ngâm. 8 năm ở đây tôi đã đón hơn 10 cái lũ vào nhà. Bây giờ tôi rút ra bài học, cứ mặc định có mưa là ngập”, chị Vy than thở.

Ba ngày sau trận ngập lũ “lịch sử”, bà Nguyễn Thị Phương (ngụ thôn Phú Trung 1, xã Vĩnh Thạnh) vẫn chưa hết sợ hãi. “Nước ngập tràn vào nhà rất nhanh. Tôi chỉ kịp đưa 2 con chó, mấy bộ quần áo lên kệ phía trước nhà, còn lại bị ngập hết. Năm nào cũng ngập, nhưng lần này lớn quá lớn, giờ vẫn còn sợ”, bà Phương lo lắng.

Chỉ trong vòng hơn 20 ngày qua, hơn 8.000 hộ dân Nha Trang phải “gánh” tới 2 trận ngập nước, cuộc sống bị ảnh hưởng rất lớn. Ông Nguyễn Văn Trí, Trưởng thôn Phú Trung, xã Vĩnh Thạnh, nói: “Năm trước tôi xây nhà đã làm nền cao hơn 30 cm so mức ngập lũ lớn nhất từng chứng kiến, nhưng giờ vẫn không ăn thua. Nước vẫn tràn vào nhà 40 cm, nhà cửa, đồ đạc ngập trong nước hư hỏng hết”.

Do phân lô bán nền tràn lan ?

Một năm phải chịu 2 – 3 lần ngập lụt là chuyện không hiếm của Nha Trang mấy năm qua. Năm nay, giữa tháng 11 ngập lụt vừa rút đi, dân dọn dẹp vừa xong thì tái diễn “thảm cảnh” cũ. Anh Đoàn Quang Đức (xã Vĩnh Trung) cho biết, anh đến Vĩnh Trung mua đất, xây nhà vào năm 2015. Nhưng từ năm 2016 đến nay, năm nào cũng ngập, năm sau ngập sâu hơn năm trước. “Tôi cho rằng, có nguyên nhân là do việc phân lô bán nền rồi xây dựng tràn lan, không có quy hoạch bài bản đã cản trở dòng thoát lũ”, anh Đức nhận định.

TP.Nha Trang là nơi có tốc độ đô thị hóa lớn bậc nhất cả nước, khi hơn 5 năm qua có hàng chục dự án quy mô “đổ bộ” vào đây. Trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020, trên địa bàn các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái… có hàng trăm khu vực chuyển đổi mục đích từ đất lúa sang đất ở nông thôn. Nổi cộm như khu vực xã Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp có đến 8 khu đô thị mọc lên gần như cùng lúc trên diện tích hơn 200 ha, trong đó đa phần diện tích chuyển đổi từ lúa nước.

Theo phản ánh của người dân địa phương, trước đây khu vực Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thái cũng như các xã phía tây Nha Trang đều có những cánh đồng lúa ở vùng trũng. Do đó, các vùng trũng đó như các bể chứa nước tự nhiên cho các khu dân cư, nên mỗi khi mưa lớn kéo dài cũng rất ít ngập, và dù có ngập thì cũng nhẹ và nước rút khá nhanh. Thế nhưng, hơn 5 năm qua, các dự án được đổ đất tạo mặt bằng đô thị, cốt nền dự án (mới) cao hơn khu dân cư hiện hữu, nên nước không thoát được khi hạ tầng thoát lũ chưa được đầu tư đúng mức.

Ngoài các dự án bất động sản ồ ạt mọc lên tại khu vực phía tây Nha Trang, thời gian qua việc cho cá nhân chuyển đổi đất lúa thành đất ở, trong khi hạ tầng thiếu đồng bộ, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ngập lụt càng ngày càng nặng. Sau thời gian ngắn, tại các xã khu vực phía tây Nha Trang đã hình thành hàng chục khu dân cư mới, tự phát. Những khu đất này trước đây là đất nông nghiệp nên địa hình vốn thấp, cộng thêm tác động bê tông hóa giao thông nông thôn ngày càng nhiều và tự phát, không có hệ thống thoát lũ, hệ thống đấu nối đồng bộ càng làm cho khu vực này hay xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa.

Có hơn 8.500 nhà dân bị ngập

Trong 2 đợt ngập lụt vừa qua, tỉnh Khánh Hòa (chủ yếu TP.Nha Trang) bị thiệt hại khá lớn khi có đến 8.500 hộ dân có nhà cửa bị ngập sâu, thiệt hại nặng. Bên cạnh đó, thiệt hại về cây trồng và nông nghiệp gần 50 tỉ đồng; hơn 1.200 ha lúa đông xuân bị ngập, hư hỏng. Tổng thiệt hại do ngập lụt gây ra tại Khánh Hòa khoảng 246 tỉ đồng.

Theo ông Lê Tiến Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Nha Trang, tình trạng phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát chỉ là một trong những nguyên nhân khiến khu dân cư các xã vùng ven, nhất là các xã phía tây Nha Trang, bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Thực tế, cao độ hiện trạng các khu dân cư phía tây Nha Trang thấp hơn mực nước lũ sông Cái mỗi khi các hồ chứa xả lũ điều tiết nước. Vì vậy, ngập lụt là điều tất yếu khi xả lũ và khi mực nước sông Cái cao hơn cốt nền của khu dân cư.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Vĩnh cho rằng nên đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như giao thông, san nền trên cốt lũ như nhiều khu đô thị thì sẽ hết ngập.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về quy hoạch, việc cho chuyển đổi ồ ạt đất lúa thành đất ở để phân lô bán nền và hình thành các khu dân cư tự phát thời gian qua để lại hậu quả rất nặng nề. Nặng nhất là việc giải tỏa đền bù để làm hạ tầng, kênh thoát lũ và quy hoạch sau này gặp rất nhiều khó khăn vì đa số đất đã được làm nhà kiên cố trên đó.

(còn tiếp)

 

HIỀN LƯƠNG

TNO