25/12/2024

Thần tốc để có gói hỗ trợ đủ lớn

Thần tốc để có gói hỗ trợ đủ lớn

Sau Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 với thiệt hại nền kinh tế được ước 37 tỉ USD, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần nhanh chóng có quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

 

Thần tốc để có gói hỗ trợ đủ lớn - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị sớm hiện thực hóa việc giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, sản xuất – Ảnh: T.V.NGHI

Cập nhật thông tin về Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) quan tâm những con số thực trạng về thiệt hại nặng nề của nền kinh tế đã được lãnh đạo các cơ quan chỉ ra cụ thể, cùng nhiều “phương thuốc” tốt phục hồi kinh tế.

Bao giờ thành hiện thực?

Đánh giá vừa qua cả Quốc hội, Chính phủ đều có những động thái quyết tâm, bà Hiền cho rằng các kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp đều rõ ràng, thực chất và cần thiết. Nếu được tổng hợp lại và đưa vào chương trình tổng thể sẽ trở thành một “cú hích” lớn trong chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng.

Vấn đề doanh nghiệp chờ đợi là thời điểm nào và bao lâu các chính sách sẽ trở thành hiện thực và nó có kịp thời hay không. “Trong diễn đàn hôm qua các chuyên gia đã khuyến cáo rõ, thậm chí đã dùng chữ khô máu và cần bơm thêm máu cho doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia, trưởng ngành cũng đã nói về tính cấp thiết của một gói hỗ trợ lớn, đủ bao quát để phục hồi kinh tế. Hơn lúc nào hết doanh nghiệp và người dân mong muốn các kiến nghị sẽ sớm trở thành hiện thực, chính sách hỗ trợ sớm triển khai”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, Chủ tịch Quốc hội đã có những định hướng về chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và gợi ý Nhà nước nên ứng trước thuế cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tồn tại và vượt qua được sau này sẽ nộp thuế cho Nhà nước.

Có những hỗ trợ hiện nay như ưu đãi về thuế, giảm tiền điện, nước… nhưng suốt thời gian dài doanh nghiệp không sản xuất, không có lợi nhuận sẽ rất khó hưởng lợi. Hay việc ưu đãi các gói vay, nếu doanh nghiệp không có khả năng thế chấp thêm cũng rất khó.

Từ lời nhắc của Chủ tịch Quốc hội, theo bà Hiền, có thể thấy các chính sách hỗ trợ đưa ra cần bám sát hơn thực tiễn khó khăn. Sau diễn đàn, mong các bộ, ngành thần tốc có chính sách trình Quốc hội sớm tháo gỡ các chính sách, đồng hành với doanh nghiệp.

Đủ lớn và đúng mục tiêu

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – nhấn mạnh diễn đàn kinh tế là cơ hội, điều kiện để các đại biểu nghe và hiểu được toàn bộ bối cảnh nền kinh tế, cũng như các khuyến cáo, kiến nghị để có đủ cơ sở quyết những chủ trương lớn, quan trọng của quốc gia trong kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức cuối tháng 12 này.

Qua diễn đàn, các thành viên của Chính phủ cũng xem xét các kiến nghị phù hợp, tổng hợp soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội.

Đáng chú ý nhất, đại diện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á cũng như các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất quan điểm cần có gói hỗ trợ đủ lớn nhưng phải đảm bảo giám sát để gói hỗ trợ đúng mục tiêu.

Ông Ngân lưu ý tuần qua số ca nhiễm tiếp tục tăng, đặc biệt là số ca tử vong vẫn cao, đe dọa đến khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta. Hơn lúc nào hết rất cần gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô các đối tượng yếu thế, người bị ảnh hưởng đều tiếp cận được.

Trong đó, cần tính đến gói hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, theo ông Ngân, cần tính toán gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều đối tượng được thụ hưởng như giao thông, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, kinh tế số và có tác động dài hạn như các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để tạo nên đà phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lớn không có nghĩa là đầu tư dàn trải mà phải chú ý đến động lực tăng trưởng.

* Ông Nguyễn Đặng Hiến (tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh):

Giảm thuế VAT: cần sớm thực hiện

Những vấn đề đặt ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 đã nói lên được những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), tôi cho rằng các cơ quan cần “bắt nhịp” và sớm ban hành chính sách.

VAT là thuế gián thu của người tiêu dùng cuối, nếu nguồn thu này cao quá sẽ làm kiệt quệ người tiêu dùng. Khi thu thuế 10%, giá cuối cùng sẽ tăng tỉ lệ thuận 10%, thu 5% giá cũng chỉ tăng 5%. Việc giảm VAT là bài toán kích thích tiêu dùng mà các quốc gia trên thế giới sử dụng phổ biến.

Khi sức mua tiêu dùng tăng 15%, sản xuất cũng sẽ tăng tương ứng hoặc hơn, doanh nghiệp sẽ mua nguyên liệu nhiều hơn, sử dụng nhiều lao động hơn, vận tải sôi động hơn… tiếp tục kéo giảm giá hàng hóa. Việc giảm thuế này sẽ tạo nên lợi ích lớn cho vòng phát triển của thị trường. Nói một cách dân dã thì đây là “bỏ con tép bắt con tôm”, còn cứ khư khư thì tôm mất mà tép có khi cũng chẳng còn.

VN đã giảm thuế VAT 30% cho một số ngành dịch vụ nhưng chưa đủ. Thời hạn giảm 3 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12) ít có tác dụng và mức giảm này còn khá khiêm tốn, nên cần giảm cao hơn ở tất cả các ngành. Tôi đề xuất giảm thuế VAT 50% trong các tháng tới, sau đó giảm xuống theo cấp độ 30%, 10%… sau một quãng thời gian nhất định.

NGỌC HIỂN ghi

Lãnh đạo một doanh nghiệp dịch vụ: Không thể để tình trạng “không tích cực lắm”

Tôi ấn tượng với diễn dàn được tổ chức hôm qua khi Chủ tịch Quốc hội nói rất thẳng thực tế: chính sách miễn, giảm thuế thu nhập thì kinh doanh có lãi đâu mà doanh nghiệp được hưởng. Ông cũng đánh giá “Bộ Tài chính chưa tích cực lắm…”. Tôi cho rằng cần đi đến cùng việc này, xem vì sao, có khúc mắc gì, hợp lý không và trách nhiệm không tích cực ở đâu.

Để công việc sắp tới nhanh cần làm điều này. Bởi đây là việc chung, ảnh hưởng đến sự phục hồi và phát triển cả nền kinh tế. Cần ngăn ngừa khả năng các cơ quan không tích cực do ảnh hưởng đến thành tích cục bộ, như thành tích thu ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc có giải pháp hỗ trợ nhiều nước đã làm rồi mà mình chưa làm. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư của đất nước cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Quốc hội đã rất tích cực vào cuộc. Mong là tín hiệu, định hướng từ cơ quan quyền lực này sớm được hiện thực hóa, tránh chỉ dừng lại là lời bàn trong một diễn đàn như nhiều diễn đàn khác.

TIẾN LONG ghi
TTO